Điều chế thành công vắc-xin phòng sốt rét, hiệu quả 100%

ANTĐ - Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã bước đầu điều chế thành công loại vắc-xin phòng chống sốt rét được cho là có hiệu quả hoàn toàn 100%.
Mới đây, các nhà khoa học ở Mỹ đã công bố một bước tiến vượt bậc trong cuộc chiến với căn bệnh sốt rét, sau khi thử nghiệm thành công một loại vắc-xin mới trên cơ thể người và đạt hiệu quả phòng chống sốt rét 100% - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nghiên cứu của nhân loại.
Căn bệnh sốt rét lây truyền sang con người qua loài muỗi Anopheles

Loại vắc-xin mới được sản xuất bởi công ty Sanaria Inc., kiểm tra bởi Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng Quốc gia, Trung tâm nghiên cứu Walter Reed Army và Trung tâm Y tế Hải quân Mỹ.

Các tình nguyện viên tham gia vào quá trình nghiên cứu đã được tiêm thử nghiệm một vài liều vắc-xin được chế từ một dạng mầm bệnh sốt rét đã suy yếu. Kết quả thu được từ các tình nguyện viên này đầy hứa hẹn: Cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều tháng đã đạt thành công 100%, những người này hoàn toàn miễn nhiễm với căn bệnh sốt rét. Kết quả của cuộc thử nghiệm này đã được các nhà nghiên cứu công bố chính thức thông qua Viện Y tế Quốc gia, các cơ sở quân đội và nhiều tổ chức khác vào tối ngày hôm qua theo giờ địa phương.

Cụ thể, loại vắc-xin mới có tên PfSPZ, được chế từ thoa trùng (sporozoites) của ký sinh trùng sốt rét. Các thoa trùng này bị làm suy yếu bằng phương pháp bức xạ và sốc nhiệt, nhưng vẫn giữ nguyên thể ban đầu, khi tiêm vào người nhận sẽ làm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. 

Vắc-xin điều chế từ ký sinh trùng sốt rét đã bị suy yếu

Tổng cộng có 57 tình nguyện viên tham gia vào cuộc thử nghiệm vắc-xin, trong đó có 40 người được tiêm loại vắc-xin này. Sau đó, tất cả những người này đều bị muỗi mang mầm bệnh sốt rét đốt, và các nhà khoa học kiểm tra lại tình trạng sức khoẻ của họ để thu nhận kết quả của cuộc thử nghiệm.

Ngoài những trường hợp thành công, có 9 tình nguyện viên cho kết quả chưa chắc chắn. 9 người này nhận 4 liều vắc-xin và 3 người trong số họ đã bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, có 12 người không tiêm vắc-xin, và sau khi tiếp xúc với muỗi nhiễm bệnh thì có 11 người trong số đó dương tính với bệnh sốt rét. Các tình nguyện viên bị nhiễm bệnh trong quá trình thử nghiệm đã được các bác sĩ điều trị. Toàn bộ các tình nguyện viên tham gia trong cuộc thử nghiệm đều không bị ảnh hưởng tác dụng phụ của vắc-xin.

Với kết quả đầy khả quan của cuộc thử nghiệm vắc-xin này, các nhà khoa học sẽ cần phải thực hiện những thử nghiệm với quy mô lớn và chặt chẽ hơn nữa. Nếu thành công, cũng phải mất một vài năm trước khi loại vắc-xin này được đưa ra sử dụng đại trà. Tiến sĩ William Schaffner, Chủ nhiệm khoa Y tế phòng bệnh của Đại học Vanderbilt, cho biết việc điều chế được loại vắc-xin mới này là một bước tiến đặc biệt của khoa học, tuy nhiên có thể sẽ phải mất tới 10 năm thì loại vắc-xin này mới có thể chính thức được chứng minh, công nhận và phân phối.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với loại vắc-xin mới – tác dụng sẽ kéo dài trong bao lâu, ảnh hưởng cũng như tác dụng phụ của vắc-xin trong thời gian dài hơn v.v… Dù sao đi nữa, công bố này của các nhà khoa học đã mang đến một niềm hy vọng mới cho nhân loại trong cuộc chiến với một trong ba đại dịch gây chết người lớn nhất thế giới.