"Điều cần thiết đối với người tự kỷ và gia đình họ là mọi người hiểu đúng về hội chứng"

ANTD.VN - Ca sĩ Thái Thùy Linh đưa ra quan điểm trên trong chiến dịch truyền thông “Tôi đã hiểu, còn bạn?” diễn ra vào sáng 31/3 tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cô cho rằng, sự hiểu lầm và kỳ thị với trẻ tự kỷ của mọi người chính là điều khiến cho các bậc cha mẹ không may có con bị tự kỷ đau xót nhất.           

“Tôi đã hiểu, còn bạn?” là chương trình tình nguyện được khởi xướng bởi ca sĩ Thái Thùy Linh và nhóm tình nguyện Tim Hồng nhân ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (ngày 2/4) do Liên hợp quốc phát động. Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017.

 Ca sĩ Thái Thùy Linh, người khởi xướng chiến dịch “Tôi đã hiểu, còn bạn?”

Trong hai năm 2017 và 2018, chiến dịch đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người thông qua bảy chương trình âm nhạc đường phố tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Cùng với đó là việc truyền thông về tự kỷ qua các trò chơi, bộ câu hỏi kèm quà tặng và phát tài liệu miễn phí. “Ước tính trong chuỗi chương trình vừa qua, hàng chục nghìn người đã được tiếp cận thông tin về hội chứng tự kỷ, tuy nhiên đó chỉ như muối bỏ bể. Do đó, chúng tôi còn tiếp tục đến khi nào xã hội bớt kỳ thị và thay đổi nhận thức về vấn đề này. Tuy nhiên, càng làm và tìm hiểu thì tôi thấy sự hiểu sai về tự kỷ của mọi người càng lớn” - Nữ ca sĩ chia sẻ.

Cô cho biết, thế giới đã công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật, còn ở Việt Nam đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Có những nhận định cho tự kỷ là bệnh, có những người cho đó là một dạng khuyết tật. Điều này dẫn đến hiểu lầm của đại đa số công chúng. Cái họ hiểu sai lầm lớn nhất, tự kỷ là căn bệnh do sự nuôi dạy không đúng cách của gia đình. Điều này giống như một cái ‘bản án’ nặng nề đặt lên vai các bậc cha mẹ.

Nhiều cộng tác viên, em nhỏ đồng hành cùng chiến dịch

Ca sĩ Thái Thùy Linh nhấn mạnh: “Sau vài năm tiếp xúc và quan tâm đến người tự kỷ, tôi nhận thấy rằng điều mà người tự kỷ và gia đình họ cần nhất là hiểu đúng của mọi người về tự kỷ. Cha mẹ có con mắc hội chứng sẽ phải đối mặt với nó cho đến hết đời. Họ đều phải chuẩn bị cho mình một tâm thế, một sức lực cho hành trình rất dài. Tuy nhiên, sự hiểu lầm, kỳ thị xa lánh của người khác lại là điều làm cho các bậc phụ huynh đau xót nhất.”  

Cùng chung quan điểm đó, chị Đặng Thùy Linh (40 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi quen nhiều người bạn con con tự kỷ. May mắn có người can đảm, đồng hành với con bởi họ nghĩ đó là cả một quá trình. Khi người ta đã hiểu và chấp nhận, họ mạnh mẽ. Bởi bản thân những đứa trẻ tự kỷ đã rất thiệt thòi, nên cha mẹ sẽ phải gánh nhiều hơn.”

Chung tay xóa bỏ kỳ thị về trẻ tự kỷ, họ cần được cảm thông, sẻ chia từ cộng đồng

Tham gia chương trình vừa với vai trò là tình nguyện viên, chị Linh cho biết: “Khi phát phiếu khảo sát để xem mọi người hiểu thế nào về tự kỷ, có những người hoàn toàn không biết gì, có người làm đúng 2/10 câu, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là cho người ta cơ hội để kiểm tra lại kiến thức, sau bài tập này, họ sẽ có cách tiếp cận thông tin và học được những cái mình chưa biết.”

Chương trình năm nay thu hút đông đảo người tham gia. Ngoài những trò chơi tương tác giữa các nghệ sĩ với khán giả, biểu diễn âm nhạc còn có có các phần đan xen để mọi người có thêm kiến thức về tự kỷ.