Dịch vụ sửa xe đạp điện: Tiện nhưng nhiều nguy cơ

ANTĐ - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô, chị Nguyễn Thị Hà ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình phản ánh, dù mới mua và sử dụng được hơn một năm, nhưng 1 tuần nay, chiếc xe đạp điện của chị bỗng dưng giở chứng không hoạt động. Quanh xóm không có ai biết sửa chữa để nhờ vả, vì thế chị Hà đành phải liên lạc với 1 số điện thoại trên mạng (đăng kèm theo quảng cáo về dịch vụ sửa xe đạp điện tại nhà) để gọi thợ. 

Dịch vụ sửa xe đạp điện: Tiện nhưng nhiều nguy cơ ảnh 1Khách hàng cần lựa chọn điểm sửa xe có uy tín

Chất lượng phập phù

Sau khi dỡ tung chiếc xe, nhân viên sửa chữa nói phải quay về lấy thêm phụ tùng thay thế và hứa sẽ trở lại ngay. Nhưng gần 2 ngày sau họ mới xuất hiện và sau một hồi tháo lắp, chiếc xe đã hoạt động trở lại.

Sau khi đi thử vài vòng, chị Hà đề nghị thanh toán thì nhân viên này cho biết, tổng chi phí hết 900.000 đồng, đồng thời thông báo vì xe cũ, không mua tại cửa hàng nên việc sửa chữa không có bảo hành. “Thấy phí cao, tôi hỏi lại “xe bị hỏng ở bộ phận nào, phải thay thế những gì” thì nhân viên này xẵng giọng “vấn đề này thuộc về chuyên môn, nói ra chị cũng không biết” rồi nằng nặc đòi tiền để đi làm chỗ khác. Điều đáng nói là, 1 tuần sau đó, chiếc xe đạp điện của tôi lại có dấu hiệu sụt điện nhanh chóng. Tôi gọi điện đến chỗ sửa chữa cũ thì họ trả lời, xe cũ nên gặp trục trặc là đương nhiên. Muốn khắc phục triệt để thì phải cần thời gian” - chị Hà thở dài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa xe đạp điện của khách hàng, với chi phí đầu tư không lớn nhưng thu nhập khá, lượng khách hàng dồi dào, dịch vụ sửa chữa phương tiện này ngày càng nở rộ. Trên các diễn đàn, có thể dễ dàng bắt gặp những mẩu quảng cáo hấp dẫn như: “Đội ngũ nhân viên giỏi, nhiều kinh nghiệm trong nghề, cơ sở chuyên sửa chữa xe đạp điện, xe máy điện tất cả các hãng với tiêu chí thời gian phục vụ nhanh nhất, chi phí thấp nhất, bảo hành dài hạn. Dịch vụ sửa xe đạp điện, xe máy điện tận nhà giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, công sức. Đặc biệt, cơ sở còn cung cấp dịch vụ cứu hộ lưu động khi chủ phương tiện gặp sự cố trên đường”.

Để mở rộng dịch vụ, tăng đội ngũ nhân viên, các điểm nhận sửa chữa xe đạp điện còn mở lớp đào tạo nghề cho lao động phổ thông. Thông thường những học viên này sau khoảng 1 tháng học việc sẽ được nhận vào làm việc tại chỗ. 

Nên đến địa chỉ có uy tín

Giống như xe máy, xe đạp điện sau một thời gian sử dụng cũng phát sinh những hỏng hóc liên quan đến động cơ, săm lốp, ắc quy… Tuy vậy, do không có sẵn phụ tùng thay thế, phí dịch vụ sửa chữa xe đạp điện thấp hơn so với xe máy, việc sửa chữa đôi khi phức tạp và mất thời gian hơn nên hầu hết các cửa hàng sửa chữa xe máy không mặn mà với xe đạp điện. Anh Đào Huy Quang - chủ một cửa hàng sửa chữa xe đạp điện trên Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa chia sẻ, thông thường sau khoảng 2 năm sử dụng, xe đạp điện sẽ gặp một số sự cố như sạc điện không vào, động cơ trục trặc khiến xe không chạy, lốp mòn, IC chập chờn… 

Do phần lớn xe đạp điện trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc nên độ bền thiết bị không cao. Khi xe bị hư hỏng, hầu hết người dân đều gọi thợ đến nhà sửa. Tuy vậy, trước khi sử dụng dịch vụ này, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin về điểm cung cấp dịch vụ bằng cách tra cứu trên mạng hoặc tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp để lựa chọn cơ sở có uy tín, có kinh nghiệm.

Để tránh bị “chặt chém”, khách hàng nên hỏi rõ xe bị hỏng bộ phận nào, có thể được sửa chữa hay phải thay mới, phí dịch vụ là bao nhiêu để thống nhất ngay từ đầu, đồng thời yêu cầu chế độ bảo hành sau khi sửa chữa. Trong trường hợp có thể mang xe đến cửa hàng, người sử dụng dịch vụ nên đến điểm mình đã mua xe bởi thông thường những cửa hàng này thường có đủ phụ tùng thay thế và đảm nhận luôn việc sửa chữa xe.  Tuy vậy, trong quá trình sửa xe, khách hàng cần quan sát kỹ thợ làm việc và không nên để lại xe qua đêm để tránh tình trạng bị tráo đổi phụ tùng kém chất lượng.