Dịch tả lợn Châu Phi: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh hiệu quả

ANTD.VN - Hiện nay, số lượng lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi ở một số quốc gia đang tăng lên nhanh chóng, có nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam. Vậy làm thế nào để biết liệu lợn có bị nhiễm bệnh dịch này hay không? Mới đây, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 2-2019 tại Hưng Yên. Đầu tháng 6, Đà Nẵng là địa phương mới nhất phát hiện có lợn nhiễm dịch.

Dấu hiệu nhận biết Dịch tả lợn Châu Phi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi các cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, dịch đã lây lan ra hơn 3.000 xã, thị trấn của 52 tỉnh, thành với 2 triệu con buộc phải tiêu huỷ; nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan ra thêm nhiều địa phương.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Bệnh do một loại vi rút có sức đề kháng cao trong môi trường gây ra.

Lợn nuôi bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) 

Chỉ cần những con lợn đứng cùng nhau với khoảng cách gần cũng bị lây bệnh, nhất là việc ăn, uống, hay nằm cạnh nhau. Những nguyên nhân lây truyền bệnh còn có thể do môi trường bên ngoài như đi cùng phương tiện vận chuyển, bị kí sinh trùng cắn... từ lợn đã nhiễm bệnh trước đó.

Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt. 

Virus DTLCP có thể sống khá lâu trong môi trường giàu protein (thịt, máu, phân, tủy xương), thậm chí cả khi bị đông lạnh hay trong sản phẩm lợn đã qua chế biến. Lợn ở tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, chỉ khi được tách khỏi đàn lợn, những con khỏe mạnh mới có khả năng sống sót. Vi rút được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và lợn chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính, có thể mang vi rút suốt đời. Ngoài ra, ve mềm thuộc chi Ornithodoros là một vector sinh học trong tự nhiên.

Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn

Các dấu hiệu lâm sàng thưởng xuất hiện khoảng 5 - 15 ngày sau khi lợn bị nhiễm virus DTLCP. Điều đầu tiên và dễ dàng nhận thấy nhất là lợn bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).

Trong trường hợp lợn sống sót qua vài ngày, chúng có thể phát thêm các dấu hiệu bệnh thần kinh. Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực. Có thể có máu chảy ra từ mũi và miệng, mủ chảy ra từ mắt, và phân lẫn máu.

Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.

Biểu hiện nặng của lợn khi nhiễm dịch tả 

Trong 1 - 2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.

Phòng, chống bệnh DTLCP

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng thêm ra các tỉnh thành. Mua thịt lợn tươi ở những địa chỉ uy tín, chế biến đúng cách, không ăn thịt tái, tiết canh… là những cách các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân.

Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng.

Cán bộ thú y lấy mẫu kiểm tra lợn. Ảnh: PV.

Quyết định số 3400/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp giết hủy gia súc, gia cầm bị bệnh. Theo đó khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, công trình văn hoá, khu du lịch, chùa chiền, bệnh viện, trạm y tế phải từ 3.000 m trở lên; Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các cụm dân cư phải trên 300 m.

Người dân nên mua thịt lợn tươi ở những địa điểm bán uy tín như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua. Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt. Mặt khác, thịt lợn bệnh cũng không có độ đàn hồi. Ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.

Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, sờ thịt săn chắc đàn hồi. Ảnh: Giang Huy.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đợt DTLCP, một số địa phương như Hải Dương hay Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các huyện, thị xã ứng ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị dịch. Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để người dân không hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để ngành chăn nuôi bị ứ đọng, đình trệ.

Phun thuốc tiêu trùng khử độc một đoàn xe heo từ phía bắc đi ngang qua Đà Nẵng - Ảnh: PHÙNG TOÀN

Để phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này, theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, một số giải pháp phòng chống DTLCP mà các hộ chăn nuôi lúc này cần phải nắm rõ là thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng bệnh tổng hợp...

Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh DTLCP cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.