Hà Nội:

Dịch sốt xuất huyết lan ra ngoại thành, số mắc cao nhất cả nước

ANTD.VN - Đến ngày 21-8, Hà Nội đã có tổng cộng 18.862 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), chính thức vượt TP.HCM (với 18.200 ca) trở thành địa phương có số mắc SXH cao nhất cả nước.

Dịch sốt xuất huyết lan ra ngoại thành, số mắc cao nhất cả nước ảnh 1Hà Nội huy động gần 100 sinh viên trường y giám sát đội xung kích diệt bọ gậy

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 ngày qua, số ca mắc SXH mới ở Hà Nội đã “đi ngang” (tức không tăng hơn so với tuần trước đó) nhưng vẫn ở mức cao với khoảng 440-450 ca/ngày. Đáng lo ngại, dịch đang có xu hướng lan từ nội thành ra ngoại thành.

Thêm 2 huyện  “báo động đỏ”

Từ đầu năm 2017 đến đầu tuần này, Hà Nội chỉ đứng thứ ba cả nước về số ca mắc SXH, trong khi TP.HCM luôn dẫn đầu. Tuy nhiên, đến ngày 21-8, Hà Nội đã có tổng cộng 18.862 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong, chính thức trở thành địa phương có số mắc SXH cao nhất cả nước thời điểm này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, con số trên cho thấy tốc độ lây lan dịch SXH ở Hà Nội thời điểm này là nhanh nhất, diễn biến phức tạp nhất. Đáng lo ngại hơn bởi hiện tại vẫn chưa phải đỉnh dịch SXH ở Hà Nội mà rất có thể đỉnh dịch sẽ rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 tới.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 ngày qua, số ca SXH mới ở Hà Nội đang chững lại dù vẫn ở mức cao với khoảng 440-500 bệnh nhân mỗi ngày. Cụ thể, trong tuần qua (từ 14 đến 21-8), thành phố ghi nhận 3.524 trường hợp mắc SXH (giảm 54 trường hợp so với tuần trước đó, từ ngày 6 đến 13-8).

Đáng chú ý, dịch đang có chiều hướng lan ra các huyện ngoại thành. Các quận, huyện có số mắc cao trong tuần qua, ngoài những quận trọng điểm như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... đã có thêm các huyện như Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. Nhìn vào bản đồ dịch tễ dịch SXH của thành phố, nếu như ở tuần trước có 12 quận, huyện nằm trong vùng báo động đỏ thì đến nay đã có 14 quận, huyện. 

Trong tổng số ca mắc SXH ở Hà Nội, hiện đã có 16.343 bệnh nhân khỏi bệnh (chiếm 86,6%), chỉ còn 2.519 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 2.112 ổ dịch SXH, trong đó hiện có 1.468 ổ dịch đã được khống chế (chiếm 69,5%). Ông Hoàng Đức Hạnh nhận định, số ổ dịch cũng như số mắc SXH của thành phố chưa dừng lại.

Huy động sinh viên trường y đi giám sát đội xung kích

Theo Sở Y tế Hà Nội, trước diễn biến vẫn hết sức phức tạp của dịch SXH, đến thời điểm hiện tại, các quận, huyện, thị xã của thành phố đều đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, loăng quăng phòng chống dịch SXH theo chỉ đạo của thành phố cũng như lập đội giám sát hoạt động của đội xung kích này. 

Ở những địa phương có ổ dịch SXH, các thành viên đội xung kích và tổ giám sát sẽ được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày, còn với trường hợp địa phương chưa có ổ dịch thì bồi dưỡng cho thành viên đội xung kích không quá 50.000 đồng/người/ngày. Dù vậy, hoạt động của một số đội xung kích hiện chưa hiệu quả, qua các cuộc kiểm tra của thành phố vẫn phát hiện các ổ bọ gậy trong nhà dân. “ 

Trước thực trạng đó, sáng 22-8, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bộ Y tế điều động 80 sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Số sinh viên này được tập huấn và sẽ được huy động làm nhiệm vụ giám sát công tác diệt bọ gậy của các đội xung kích diệt bọ gậy ở các quận, huyện. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, 80 sinh viên sẽ được chia thành 10 nhóm để hỗ trợ và giám sát việc diệt bọ gậy tại 10 quận, huyện có số ca mắc SXH cao nhất trên địa bàn thành phố. 

Các đội sẽ chọn ngẫu nhiên 10 hộ gia đình trong danh sách các hộ gia đình mà 2 đội xung kích địa phương quản lý để kiểm tra số lần đội xung kích đến với hộ gia đình, soi tìm ổ bọ gậy và xử lý. Trong thời gian hoạt động, các sinh viên sẽ có hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế và hỗ trợ của TP Hà Nội theo quy định 100.000đồng/người/ngày.