Dịch bệnh sát Tết, giá thịt đắt đỏ, cảnh báo tình trạng bán lợn bệnh ra thị trường

ANTD.VN -Thời gian qua, nhiều địa phương đã xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) nhưng vẫn có tình trạng một số người dân đã cố tình giấu dịch để bán tháo lợn bệnh ra thị trường.

Thông tin về tình hình dịch LMLM, ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh... Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.388 con, chủ yếu là lợn thịt (2.372 con), mắc bệnh do chưa được tiêm phòng vaccine LMLM. Tính đến ngày 1/1/2019, cả nước có 24 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Phân tích nguyên nhân bùng phát dịch LMLM, ông Long cho hay, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định;

Cảnh báo tình trạng bán tháo lợn mắc bệnh LMLM  (ảnh Dân Việt)

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm; Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng...

Trả lời câu hỏi về việc liệu hệ thống Cục Thú y vừa qua có hoạt động không hiệu quả; không cập nhật kịp thời dịch bệnh trên gia súc để cảnh báo người dân, dẫn đến tình trạng bán tháo lợn bệnh, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y phân trần, thực tế, công tác thống kê dịch bệnh Cục Thú y phụ thuộc từ dưới lên, từ trưởng thôn báo cáo lên xã, xã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh và tỉnh báo cáo Trung ương.

Bên cạnh đó, cán bộ thú y ở địa phương bây giờ đang rất thiếu, đây là vấn đề khó khăn, nhiều cán bộ bỏ nghề bởi chế độ phụ cấp rất thấp, có nơi chỉ 200.000-300.000 đồng/tháng, phụ cấp ít khiến cán bộ thú y cơ sở không mặn mà với công việc.

Hiện nay, các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; một số Chi cục được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y với các đơn vị khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý. Do vậy, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc như trước đây; và việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM nói riêng và công tác thú y nói chung do các Trung tâm này thực hiện theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.

“Vì các lý do trên, chúng tôi đã bị cắt mất “chân rết” ở cơ sở, hiện chúng tôi không có hệ thống bên dưới, bởi với cách tổ chức như trên là “cắt ngang”, tức hệ thống cán bộ thú y lại thuộc về UBND xã, UBND huyện, chúng tôi không thể chỉ đạo được họ theo ngành dọc như trước kia”- ông Đông cho hay.