Đi "phượt" bị tử vong tại đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang

ANTD.VN - Ngày 10-11, CAH Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết đang điều tra nguyên nhân tử vong của du khách tại khu vực dưới chân đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.

Thiếu kiến thức, kinh nghiệm “phượt”

Trước đó, ngày 9-11, có hai du khách đi xe máy do không quen địa hình đổ đèo Mã Pì Lèng gặp thời tiết mây mù nên đã mất kiểm soát lao xuống vực sâu.

Được biết, nạn nhân tử vong cách điểm dừng chân Mã Pì Lèng khoảng 300m, độ cao so với mực nước biển khoảng 1500-1600m.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc đã có mặt tại hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và đưa người bị nạn lên.

Qua xác minh ban đầu, nạn nhân là một nam giới, quốc tịch Tây Ban Nha đã đi du lịch bằng xe máy một mình đến Mèo Vạc. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được nạn nhân thì anh này đã tử vong. Ngay sau đó, lực lượng cứu nạn đưa người và xe về cơ quan chức năng và báo cáo lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng như gửi thông tin đến Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam để phối hợp, giải quyết.

Khám phá cung đường đèo cần phải thận trọng và có kinh nghiệm điều khiển phương tiện

Đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với chiều dài khoảng 20km nối liền thị trấn Đồng Văn với huyện Mèo Vạc. Đỉnh đèo Mã Pì Lèng ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển. Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, uốn khúc quanh co, dưới chân là vực sâu. Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ hùng vĩ, đèo Mã Pí Lèng xứng đáng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam cùng với đèo Pha Đin, thuộc tỉnh Điện Biên, đèo Ô Quy Hồ tỉnh Lai Châu, đèo Khau Phạ tỉnh Yên Bái.

Từ vụ tai nạn đáng tiếc này, một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo đối với an toàn trong phong trào “phượt” hiện nay. Tùy từng cung đường cụ thể, không phải cứ biết lái xe giỏi ở miền xuôi mà đi được ở Tây Bắc.

Nhiều người nghĩ đơn giản liều mạng đổ đèo Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin… nhưng do chưa có kinh nghiệm thì như đánh cược tính mạng với tử thần. Chỉ lơ là thì bất cứ tình huống nào cũng có thể xảy ra. Nhẹ thì thoát nạn, nặng thì xe lao xuống vực sâu, tử vong. Nguy hiểm nhất là lớp trẻ phượt bằng xe máy. Đi theo nhóm đông nhưng chưa biết tình trạng giao thông miền núi, vừa đi lại vừa đùa nghịch trên đường.

Vụ tai nạn xảy ra mới đây tại đường lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc, nạn nhân là đôi nam nữ do không có kinh nghiệm nên khi đổ đèo bóp phanh liên tục khiến phanh xe bị nóng má và dẫn đến phanh không ăn.

Vấn đề khác là nhiều cung đường có lúc phải đi trong mây như đèo Thung Khe, tỉnh Hòa Bình, Mã Pì Lèng, Hà Giang, và đèo Khau Phạ tỉnh Yên Bái. Khi đi gặp tình huống này đáng lẽ phải dừng lại chờ khi trời quang thì đi tiếp, hoặc ít ra cũng phải bật đèn pha ánh sáng vàng để tín hiệu báo cho đối phương biết. Nhưng tất cả điều này không phải du khách nào cũng biết để làm, phần nữa do chủ quan, xem thường an toàn giao thông nên đến khi xảy ra chuyện đã quá muộn.

Đừng biến nơi “phượt” là xả rác

Trong những năm qua, phong trào phượt khám phá núi rừng Việt Nam đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Đông Bắc được nhiều giới tham gia. Việc đi để ngắm cảnh non sông, hiểu phong tục tập quán của đất nước, quê hương, núi non hùng vĩ là việc cần thiết, song cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực đáng lên án.

Thứ nhất, không phải đoàn nào, du khách nào cũng có ý thức bảo tồn, giữ gìn bản sắc, phong cảnh. Do đó việc đơn giản nhất là sự có mặt của du khách thiếu ý thức đã làm cho bản sắc nơi đến, con người nơi đó bị ảnh hưởng và dần mất đi nét đẹp địa danh. Cùng với đó, cảnh quan nơi du khách khai phá cũng bị tàn phá bởi cách ứng xử với môi trường của người đến. Việc xả rác bừa bãi tại điểm du lịch, văn hóa trong bản làng đang là vấn đề nhức nhối, mà mấu chốt là người tại du khách “khi ta ở chỉ là nơi ở tạm, khi ta đi rác đã vùi lấp bản”.

Sự vô ý và thiếu kinh nghiệm trong khi đi du lịch khám phá sẽ dẫn nguy hiểm cho chính bản thân

Ngoài môi trường cuộc sống bị ô nhiễm do ý thức, còn phải kể đến việc phá tan cảnh quan dưới nhiều hình thức, điển hình là chụp ảnh dẫm đạp lên cỏ cây, hoa lá.

Chúng tôi đã chứng kiến vườn cải ở Sủng Là, Hà Giang bị dẫm nát, tan hoang chỉ sau mấy đoàn khách dưới xuôi thay nhau vào chụp ảnh. Hoặc những cánh rừng hoa lê trắng trời ở Phố Cáo, Đồng Văn... du khách chụp ảnh với ý thức nâng niu thì khác, đằng này thích “phong cách lạ” họ vin cành bẻ hoa, thậm chí leo trèo lên cây để chụp một bức ảnh đăng lên face book chơi. Cứ thế, cảnh vật thiên nhiên tan nát do sự ứng xử của du khách. Và như vậy thì còn đâu vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.

Thời gian qua, hình ảnh gây phản cảm đối với một số nhóm đi phượt gây ra khiến địa phương bức xúc. Ví dụ, có một số nhóm trên đường đi Đồng Văn, khi gặp trẻ em vùng cao, họ đã ném cho bánh kẹo, đồ dùng... Cách cho vừa không đẹp lại vừa nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào tạo tính cách xấu cho bọn trẻ. Mỗi khi đi dọc Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc… thấy có ô tô từ miền xuôi đến, bọn trẻ con thường bám theo để xin hoặc chờ một hành động nào đó ném quà từ trên xe xuống.

Cho đến nay câu chuyện phượt sao cho đúng thì chưa có chuẩn mực, nhưng ý thức ứng xử môi trường, thiên nhiên, phong tục tập quán, văn hóa… nơi đến là điều tối thiểu cần phải có trong mỗi người đi phượt để hạn chế tối đa sự tác động của con người, làm xấu đi hình ảnh nơi đến.