Đi bơi mà không lưu ý những điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm

ANTD.VN - Bên cạnh nhiều lợi ích của bơi lội với sức khỏe, thì việc đi bơi nếu không đảm bảo an toàn có thể gây ra một số nguy hiểm. 

Ký sinh trùng nguy hiểm nhất ở bể bơi có tên 

Cryptosporidium. Các nhà khoa học chứng minh được rằng ký sinh trùng này là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy và các dịch bệnh liên quan đến bể bơi. 

Cryptosporidium có thể tồn tại trong cơ thể người trong nhiều tuần và gây ra các triệu chứng tiêu chảy; đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn dẫn đến mất nước. Ngoài ra, một số bệnh rất dễ mắc khi đi bơi:

Bệnh não mô cầu. Vi khuẩn của căn bệnh não mô cầu có trong nước hồ bơi. Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng khi xâm nhập vào cơ thể có thể lây lan nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh như viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. 

Bệnh về đường sinh dục. Nấm phụ khoa, các bệnh lây qua đường tình dục khác đặc biệt là bệnh lậu có thể phát sinh do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này qua người khác. 

Các bệnh về mắt. Bơi lội rất dễ gây ra các bệnh về mắt, đặc biệt đó là bệnh đau mắt đỏ, thậm chí có thể lậu mắt rất nghiêm trọng.

Bệnh hen suyễn. Thành phần clo trong bể bơi, đặc biệt là những sản phẩm phụ của hóa chất chloramine có thể gây bệnh hen suyễn. 

Viêm tai. Khi nguồn nước không sạch và mang nhiều mầm bệnh sẽ dẫn đến các bệnh lý về tai như viêm tai. 

Bệnh đường tiêu hóa. Việc uống phải nước khi đi bơi cũng gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, viêm dạ dày, thậm chí viêm ruột cấp.

Những lưu ý khi bơi để tránh mắc bệnh

Tắm trước khi bơi

Tắm trước khi bởi là cách tốt nhất để tránh các loại vi khuẩn ô nhiễm tại các bể bơi công cộng. Bởi khi bạn tắm, cơ thể được loại bỏ những vi khuẩn có hại, dễ lây lan cho những người khác. Sau khi bơi không tắm cũng sẽ gây ra các vấn đề bệnh tật cho sức khỏe. Bởi hồ bơi chứa lượng hóa chất không nhỏ có thể khiến da nhiễm trùng.

Không uống nước trong bể bơi

Bể bơi là nơi chứa nhiều  vi khuẩn có hại. Theo các chuyên gia sức khỏe, trung bình một người uống phải 15ml nước mỗi lần bơi. Vì vậy, không uống nước ở bể bơi để tránh mắc bệnh.

Tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói

Nếu trước khi đi bơi bạn không ăn gì thì dạ dày trống sẽ không đủ năng lượng tăng nguy cơ cảm lạnh, thậm chí hạ đường huyết khi đi bơi. Ngược lại, nếu ăn quá no sẽ là gánh nặng cho cơ quan tiêu hóa, dễ gây bệnh đau dạ dày và các bệnh đường ruột khác.

Uống nước trước khi bơi

Việc vận động cơ bắp trong lúc bơi lội sẽ khiến cơ thể mất nước. Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến việc mệt mỏi sau khi bơi bởi mất chất điện giải. Tốt nhất uống nước trước khi bơi hoặc trong khi bơi.

Tránh bơi trong ngày “đèn đỏ”

Trong những ngày “đèn đỏ”, tử cung mở rộng hơn bình thường và các loại vi khuẩn trong bể bơi có thể dễ dàng xâm nhập vào tử cung, ống dẫn trứng làm cho bộ phận sinh dục bị nhiễm khuẩn.

Làm ướt tóc trước khi bơi

Việc làm ướt tóc rất quan trọng bởi sẽ làm cho nước ngấm vào tóc và hạn chế nguy cơ tóc bị khô và chẻ ngọn do hóa chất có trong bể bơi. Tốt nhất trước khi bơi hãy nhúng đầu qua nước và hoặc cách tốt nhất là dùng mũ và kính bơi để bảo vệ tóc và mắt.

Khởi động trước khi bơi

Khởi động trước khi bơi có tác dụng làm nóng cơ thể, các khớp linh hoạt hơn và giảm nguy cơ chấn thương. Nếu không khởi động trước, cơ bắp phải hoạt động đột ngột rất dễ bị sốc nhiệt hoặc bị chuột rút.

Tránh bơi quá lâu

Người lớn chỉ nên bơi khoảng 60-90 phút và trẻ nhỏ chỉ nên bơi từ 30-45 phút. Nếu bơi lội quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt không tốt cho da, dễ khiến da bị sạm hoặc bỏng rát do phơi nắng.