Đề xuất đi xe máy ban ngày phải bật đèn: Nên hay không?

ANTĐ - Đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, xe máy khi lưu thông ban ngày cũng phải bật đèn để giảm TNGT, ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ nhưng cũng không ít người cho rằng, kiểu khí hậu Việt Nam không phù hợp. 

Đề xuất đi xe máy ban ngày phải bật đèn: Nên hay không? ảnh 1Vào mùa hè, trời nóng có nên bật đèn xe cả ban ngày?

Bật đèn xe máy sẽ giảm TNGT?

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc bật đèn trước của xe máy vào ban ngày sẽ giảm được TNGT, đặc biệt là số vụ va chạm giữa xe máy với ô tô. Tại nhiều nước, sau khi áp dụng quy định bật đèn mô tô, xe máy vào ban ngày, số vụ TNGT đã giảm. Ví dụ tại Nhật Bản, khi áp dụng quy định này, số vụ TNGT đã giảm tới 40%. Trong 10 nước ASEAN, đã có 7 nước áp dụng quy định này. Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN nên phải hài hòa tiêu chuẩn này với các nước trong khu vực. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng việc xe máy bật đèn khi lưu thông ban ngày sẽ giúp giảm khoảng 10% TNGT, tương đương 500 - 600 người chết/năm.

“Hiện, các bộ, ngành và các nhà sản xuất xe máy đang thảo luận về việc sử dụng công nghệ đèn tự động chiếu sáng phía trước của xe máy. Nếu được sự đồng thuận cao, đề xuất xe máy phải bật đèn ban ngày sẽ trở thành quy định bắt buộc”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, để thực hiện được việc này cần có lộ trình chuyển đổi phụ tùng, công nghệ nhằm không phát sinh chi phí, xáo trộn cho người dân. “Khi đưa ra bất cứ một đề xuất nào, Ủy ban ATGT Quốc gia đều nghiên cứu kỹ về tính thực tiễn cũng như lợi ích cho người dân. Cụ thể, lợi ích cao nhất của đề xuất quy định xe máy phải bật đèn khi lưu thông ban ngày là sự an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Chúng tôi sẽ gửi nghiên cứu đến các bộ, ngành để xin ý kiến về lộ trình áp dụng quy định. Sắp tới Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của việc này”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh. 

Không phù hợp khí hậu Việt Nam

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại cho rằng, ở các nước châu Âu, sương mù nhiều, gần như quanh năm, nhà sản xuất thiết kế đèn theo kiểu xe khởi động - đèn sáng là hợp lý. Còn ở Việt Nam, nếu đề xuất trên trở thành luật sẽ gây không ít phiền toái cho người tham gia giao thông. Bởi, tại nước ta, các phương tiện còn đang loay hoay tìm giải pháp để chống nắng, chống lóa khi trời nắng to, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, nay nếu bắt buộc xe máy phải bật đèn khi lưu thông ban ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của các phương tiện. Hơn nữa, bật đèn vào ban ngày không chỉ gây lãng phí mà còn làm tăng nhiệt độ môi trường và đi ngược lại với các quy định hiện có về bảo vệ môi trường, thậm chí làm gia tăng các vụ TNGT do tầm nhìn bị ảnh hưởng.

Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam, tại Việt Nam nếu muốn áp dụng quy định này thì Honda phải mất 2 năm để các cơ quan có liên quan phê chuẩn các tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm xe. Ngoài ra, với mật độ xe máy và hạ tầng tại các đô thị của Việt Nam như hiện nay, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ những tác động phụ, như nhiệt độ môi trường trong những ngày hè nắng nóng, tầm quan sát của các phương tiện và chi phí phát sinh.

Một số chuyên gia trong ngành giao thông cũng như môi trường cho rằng, châu Âu là xứ lạnh, sương mù gần như quanh năm nên việc quy định xe máy phải bật đèn khi lưu thông ban ngày là hợp lý. Trong khi đó, khí hậu tại Việt Nam nóng, ẩm là chủ đạo, thậm chí một số tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ nắng nóng quanh năm, nhiệt độ cao điểm ngoài trời những ngày hè nắng nóng lên tới 40-45 độ C. Do vậy, việc quy định xe máy phải bật đèn khi lưu thông ban ngày cần tính toán, nghiên cứu kỹ, tránh bê kinh nghiệm từ nước ngoài về áp dụng nguyên bản tại Việt Nam, vừa không hiệu quả, vừa gây xáo trộn, bức xúc trong nhân dân.