Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu đồng: Nhiều câu hỏi gửi tới Bộ Tài chính

ANTD.VN - Bên cạnh một số ít ý kiến đồng tình, ủng hộ, đa số bạn đọc phản ứng gay gắt với đề xuất đánh thuế nhà đất trị giá từ 700 triệu đồng trở lên của Bộ Tài chính (tại dự án Luật Thuế Tài sản vừa công bố).

Trước thông tin Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà đất trị giá từ 700 triệu đồng trở lên (dự kiến thuế suất 0,4% năm đối với phần giá trị vượt 700 triệu đồng), một số ý kiến ủng hộ chính sách này. Bạn đọc Xuân Thanh (Hà Nội) nói: “Nên áp dụng như vậy sớm hơn, vì tình trạng đầu cơ đất khiến cho giá đất ngày càng leo thang trong khi thu nhập của tầng lớp công nhân và người lao động lại quá thấp. Người giàu thì càng giàu thêm”.

Một người khác cũng dẫn chứng: “Thuế này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia. Có nơi thuế năm trên 2% giá trị. Song, ở Việt Nam, con số 700 triệu đồng cần điều tra thêm”.

Tuy nhiên, đa số ý kiến bạn đọc không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt đối với đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà đất trị giá từ 700 triệu đồng trở lên. Ngay bên dưới ý kiến đồng tình đánh thuế để chống đầu cơ nêu trên, một bạn đọc khác đáp trả: “Nếu thế thì thu thuế người đầu tư thôi chứ, người xây nhà lần đầu thì sao lại phải đóng thuế tài sản nhà?”.

Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang gây xôn xao dư luận

Rất nhiều ý kiến thắc mắc về mức sàn phải đóng thuế (700 triệu đồng) và mức thuế suất lên tới 0,4%/năm. Đơn giản bởi ở các đô thị lớnh như Hà Nội, TP.HCM, mức giá 700 triệu đồng rất khó mua nhà. Điều này đồng nghĩa với hầu như tất cả mọi người có nhà ở đều phải đóng thuế, không phân biệt giàu nghèo. “700 triệu đồng chưa mua nổi căn hộ "thu nhập thấp" ở Hà Nội, thế mà lại đánh thuế. Có điều gì đó rất bất hợp lý ở đây. Với cách đánh thuế này gần như mọi căn nhà ở thành phố lớn đều phải đóng và đóng mức thuế 0,4%” – bạn đọc tên Xuân phát biểu.

Bạn đọc Nguyễn An (TP.HCM) nêu ý kiến: “Nghe thôi đã kinh khủng... Tôi mua nhà ở xã hội thuôc diện nhà chính sách tại TP.HCM giá đã 900 triệu đồng. Tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng. Các chi phí trả góp 6 triệu đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt chung 4,5 triệu đồng/tháng; 2 đứa con học 1 đứa 2 triệu đồng/tháng. Rồi còn chi phí riêng vợ 2 chồng... Tổng chi thường vượt quá tổng thu nhập, chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh đau ốm, cưới hỏi.... Vây tiền đâu ra đóng thuế nhà nữa?”.

Số khác lại lo lắng vì còn đang trả nợ ngân hàng tiền mua nhà thì lấy đâu tiền đóng thuế: “Chật vật lắm mới mua được có căn hộ, phải vay ngân hàng tới 70%. Mỗi tháng đã phải è cổ trả tiền vay, giờ thêm thuế nữa chắc đói”.

Nhiều người đặt câu hỏi, muốn chống đầu cơ, hạn chế tác động tới người nghèo, tại sao không đánh thuế lũy tiến đối với người sở hữu từ 2 căn nhà trở lên thay vì đề xuất như Bộ Tài chính.

Bạn đọc Nhật Nam đề nghị: “Theo tôi, nên áp dụng thu thuế căn nhà thứ hai trở lên để tránh đầu cơ, tạo sốt ảo cho thị trường và điều hòa thu nhập, vì người có thu nhập cao thì mới có nhiều nhà. Tôi có một căn nhà để ở mà đánh thuế thì tiền đâu mà đóng”.

Một bạn đọc khác đồng tình: “Cần đánh thuế nặng với căn nhà thứ hai sở hữu. Càng sở hữu nhiều càng đánh thuế nặng. Để tránh đầu cơ, đẩy giá nhà đất lên quá cao, dân khó mà mua được... chứ không phải đánh thuế “toàn diện” như Bộ Tài chính đề xuất”.

Nhiều người tỏ ra hài hước khi “mách nước” các “chiêu” để tránh đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên: “Sắp tới sẽ có hàng triệu ngôi nhà được định giá 699 triệu đồng cho mà xem”. Số khác đặt ra nhiều câu hỏi vì đề xuất còn chưa rõ của Bộ Tài chính: “Hồi tôi mua nhà giá 600 triệu đồng, bây giờ nhà kế bên mua 800 triệu đồng. Vậy tôi có đóng thuế không?”;

“Nhà ở là một nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân mà cũng phải đóng thuế? Giờ tôi không có thu nhập; không có lợi nhuận phát sinh từ căn nhà đó cũng phải đóng thuế?”

Nhà đất cha ông để lại cũng phải nộp thuế phải không Bộ Tài chính? Mẹ tôi ở quê có căn nhà 2 tầng đơn giản xây từ gần 15 năm trước. Tiền xây nhà 1 phần nhờ giải phóng mặt bằng, có thể định giá hơn 1 tỉ đồng. Đất do ông bà nội để lại. Hiện tại bà nhiều tuổi nên buôn bán hoa quả lặt vặt ở chợ quê. Tiền không đủ sinh hoạt thì không biết sẽ đóng thuế kiểu gì?” – bạn đọc Thành bức xúc.

Nhiều người cũng phản ứng gay gắt vì cho rằng, đánh thuế tài sản đối với nhà là thuế chồng thuế vì: “Tiền mua đất, cát, xi măng, sắt thép, công thợ, gạch... để xây nhà, người dân đã đóng thuế rồi giờ lại tiếp tục đánh thuế sao?”

“Lúc mua bán nhà, chúng tôi đã đóng 2,5% (tổng giá trị hợp đồng) lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân rồi. Giờ lại “lòi” thêm loại thuế này là sao???”

Đặt câu hỏi “chính sách vì ai?”, anh Giang (Hà Nội) cảm thán: “Đọc giải thích về dự thảo Luật Thuế tài sản mà không tin nổi. Họ giải thích, luật này góp phần “hạn chế đầu cơ tài nguyên đất đai, nhà ở”. Đây là mục tiêu nghe rất cao cả, vì người nghèo. Tuy nhiên, họ chỉ đề xuất đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên, chứ không đánh thuế với nhà thứ hai trở đi. Như thế là thiết kế chính sách phục vụ người giàu chứ đâu phải vì người nghèo!”. 

Nhiều người thấy lo lắng trước đề xuất của Bộ Tài chính: “Đánh thuế thế này thì càng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Chỉ nên đánh thuế người có thu nhập cao, sở hữu 2,3 căn nhà một lúc. Người nghèo dành dụm mãi mới mua được căn nhà sao lại phải chịu thuế”.

“Ước mơ có được 1 căn nhà của riêng mình ngày càng xa vời...” - bạn Trần Khánh than thở.