Để trí não khỏe mạnh, hãy tránh 7 thói xấu

ANTĐ - Có người đến 95 tuổi vẫn minh mẫn như thường, nhưng lại có những người  mới bước sang tuổi 50 mà đã suy giảm nhận thức rõ rệt. Bên cạnh yếu tố di truyền thì lối sống cũng đóng một vai trò quan trọng đối với quá trình lão hóa trí não. Vì vậy, trong khi không thể kiểm soát nguồn gene, chúng ta có thể tránh được 7 sai lầm gây hại cho não.

Ăn nhiều thực phẩm chế biến

Đó là chế độ ăn chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh và thực phẩm chế biến vì qua thời gian, chúng có thể tàn phá não bằng việc giảm chất lượng học tập và ghi nhớ, tăng tính dễ tổn thương đối với các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer. Một số nhà khoa học thậm chí còn gọi Alzheimer là “bệnh tiểu đường Type 3”, cho thấy chế độ ăn uống góp phần tăng nguy cơ của căn bệnh này. Và có thể hiểu ngược lại, chế độ ăn đủ chất, gồm nhiều cá, chất béo lành mạnh, ngũ cốc và rau quả - có thể giảm nguy cơ bệnh Alzheimer lên đến 50%.

Sống cạnh đường cao tốc

Sống trong một thành phố đầy khói bụi sẽ tác động xấu đối với não bộ. Theo nghiên cứu được công bố trong tháng 4-2015 trên tạp chí Stroke, tiếp xúc với không khí ô nhiễm có liên quan đến tình trạng lão hóa sớm ở não. Cụ thể, những người sống gần xa lộ lớn dễ nhiễm khói bụi vào phổi và máu, tăng nguy cơ cho một dạng tổn thương não được gọi là “đột quỵ thầm lặng”.

Để trí não khỏe mạnh,  hãy tránh 7 thói xấu ảnh 1

Sống gần các cung đường đầy khói bụi cũng là yếu tố gây hại cho não

Uống một vài ly cocktail buổi tối

Không có gì đáng ngạc nhiên khi biết uống quá nhiều rượu và hút thuốc lá ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống cũng có tác động tiêu cực đến não bộ, phá hủy mô não và dẫn đến suy giảm nhận thức. Nghiện rượu có thể gây ra hoặc đẩy nhanh quá trình lão hóa của não nhưng chỉ một vài ly rượu vang mỗi đêm cũng đủ để gây nguy hiểm cho sức khỏe não bộ, mặc dù có một số lợi ích về tim mạch, nghiên cứu của trường đại học Rutgers năm 2012, Mỹ cho biết. Uống tương đối ít rượu trong tuần, sau đó “thả phanh” vào cuối tuần có thể làm giảm 40% quá trình sản xuất tế bào não trưởng thành.

Căng thẳng

Lối sống căng thẳng rất có hại bởi nó rút ngắn chiều dài của telomere, các chuỗi ở cuối sợi DNA giúp xác định tốc độ nhanh hay chậm của tế bào trong cơ thể, từ đó có thể đẩy nhanh sự khởi đầu các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi. Ngoài ra, stress mạn tính có thể tích lũy và trở thành yếu tố nguy cơ suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. 

Ngồi cả ngày

Thực tế, ngồi nhiều gây hại khủng khiếp đối với sức khỏe của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa một lối sống ít vận động với các nguy cơ sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường, ung thư và tử vong sớm. Cùng với đó, thói quen ngồi cả ngày gây hại đáng kể đối với bộ não vì liên quan đến sự co rút ở các vùng não liên quan tới bộ nhớ. Vì vậy, luôn nhớ di chuyển và hoạt động thể chất còn đem lại lợi ích sức khỏe cho não bộ.

Ngủ ít

Thiếu ngủ, mất ngủ có thể gây ảnh hưởng đáng sợ đối với sức khỏe, đó là nguy cơ cao bị đột quỵ và tiểu đường, dẫn đến chức năng nhận thức suy yếu. Trong một nghiên cứu tiến hành năm ngoái, các nhà nghiên cứu Singapore thấy rằng người cao tuổi ít ngủ thì độ lão hóa não tăng nhanh hơn.

Tách biệt với bên ngoài

Không cần phải tham gia thử thách trí tuệ hay một trò chơi vận động hết công suất của trí não, đơn giản chỉ cần tham gia vào các hoạt động hàng ngày như đọc sách, nấu ăn hoặc trò chuyện (tránh ngồi một mình trước tivi hoặc máy tính) có thể tạo ra một sự khác biệt.

Nghiên cứu trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Canada năm 2013 chỉ ra rằng, một số bài tập như giải đố ô chữ có hiệu quả hơn thuốc trong việc ngăn chặn suy giảm nhận thức. Cùng với đó, tìm hiểu khám phá những điều mới mẻ của thế giới xung quanh hay đọc một cuốn tiểu thuyết mới cũng giúp tạo ra tế bào thần kinh mới.