Đề phòng dịch bệnh chân tay miệng bùng phát mùa tựu trường 2019

ANTD.VN - Năm học 2019 mới sắp bắt đầu, nguy cơ dịch chân tay miệng bùng nổ ở nhiều địa phương hiện hữu. Dịch có khả năng lây lan cao do điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như sức đề kháng của trẻ yếu hơn người lớn.

Bệnh chân tay miệng xuất phát từ đâu?

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh được gây ra bởi vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. 

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mắc bệnh chân tay miệng nhất

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân mắc bệnh do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Năm học mới cũng là thời điểm tập trung đông các em nhỏ, khi có mầm bệnh thì sẽ rất dễ lây lan trên diện rộng.

Đề phòng dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt là trong các tháng 9,10,11.

Bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh gây nhiều biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Mùa tựu trường năm 2018, cả nước có đến 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Thế nên, năm học 2019 bắt đầu, các chuyên gia rất lo ngại dịch sẽ bùng phát mạnh hơn năm ngoái.

Cách phòng tránh dịch chân tay miệng

Thực hành vệ sinh là cách tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng. Rửa tay thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm vi rút này.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng bệnh

Cha mẹ và thầy cô cần dạy trẻ cách rửa tay bằng nước nóng và xà phòng. Phải luôn rửa tay sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi ra nơi công cộng. Cũng cần dạy trẻ không cho tay hoặc các đồ vật khác vào miệng hoặc gần miệng.

Gia đình và nhà trường cần thường xuyên khử trùng những khu vực chung có nguy cơ mầm bệnh. Có thói quen vệ sinh các bề mặt chung trước tiên bằng xà phòng và nước, sau đó dùng dung dịch thuốc tẩy pha loãng và nước. Đặc biệt, nên khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm vi-rút.

Nếu thấy trẻ gặp các triệu chứng như sốt hoặc đau họng, hãy nghỉ ở nhà không đi học hoặc đi làm. Nên tiếp tục tránh tiếp xúc với người khác khi các nốt mụn và nốt ban điển hình nổi lên. Điều này có thể giúp tránh lây bệnh cho người khác.

Đối với các cơ sở trường học trên cả nước, cần nâng cấp và sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh để trẻ đến trường có thể tránh được các mầm bệnh.