Để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi

ANTĐ - Đối với mỗi một người làm báo, hai tiếng Trường Sa - Hoàng Sa luôn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đã có nhiều thế hệ những người làm báo từng đến và từng viết về Trường Sa. Mỗi bài viết đều chứa đựng những tình cảm, những kỷ niệm được chắt ra từ chính trảo nghiệm và tình yêu Tổ quốc của mình. Chúng tôi, những người làm Báo An ninh Thủ đô đã may mắn có những khoảng thời gian được sống và sát cánh bên những người lính đảo, được viết, được cảm nhận về những người lính đảo. Và với những người làm báo thì những kỷ niệm về Trường Sa là những kỷ niệm không thể nào quên để mỗi khi về với đất liền lại ao ước thêm một lần ra Trường sa để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi.

Để được cảm nhận rõ hơn về lòng yêu nước
Để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi ảnh 1
Nhà báo Ngân Tuyền

Tôi tham gia chuyến công tác thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/21 từ ngày 15-5 đến ngày 26-5, đúng thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền nước ta vào giai đoạn “nóng”. Người thân lo lắng, bạn bè cũng đã khuyên can khi thấy tình hình trên Biển Đông căng thẳng. Tuy vậy, với vai trò là một phóng viên, tôi đã luôn mong muốn có một chuyến đi như thế, tôi muốn được một lần đặt chân đến hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vậy là tôi đã quyết định xung phong, ghi tên đăng ký tham gia chuyến công tác. Ban Biên tập Báo tuy có chút băn khoăn vì tôi là phóng viên nữ, nhưng cũng đã tạo điều kiện, đồng ý cho tôi được đi Trường Sa.

Một năm đã qua đi, nhưng cảm giác về Trường Sa, về những gương mặt người lính đảo mà tôi từng tiếp xúc vẫn còn vẹn nguyên. Những gương mặt ánh lên niềm tự hào, sự cương nghị khi mang trên mình trọng trách lớn lao mà Tổ quốc giao phó. Những người lính nơi đầu sóng, ngọn gió với tâm niệm “người còn thì đảo còn”.

Tình yêu nước tôi đã được dạy và học tập qua những năm tháng ngồi ghế nhà trường, nhưng mơ hồ và trừu tượng. Nhưng, hơn 10 ngày đến với Trường Sa, tôi đã cảm nhận rõ hơn về tình yêu nước, từng tấc đất, hòn đảo mà cha ông ta đã phải hy sinh bằng xương máu để giữ lấy. Những hòn đảo chìm, quanh năm chỉ có gió và nước biển xanh ngăn ngắt như Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, đến những hòn đảo nổi với điều kiện khá hơn như Trường Sa Lớn, An Bang, Trường Sa Đông… Dù khác nhau về điều kiện, về cơ sở vật chất nhưng với các anh, mỗi người lính Trường Sa đều chung một tình yêu nước, yêu biển đảo quê hương, sẵn sàng đánh đổi bằng tính mạng để giữ yên bình. 

Những đồng nghiệp cùng tham gia chuyến công tác số 13 trên chuyến tàu HQ 561 vẫn có sự liên lạc với nhau. Mỗi chúng tôi đều thấy nhớ đảo, nhớ sóng biển Trường Sa mỗi khi có dịp gặp nhau. Tôi vẫn thầm ước một điều “giá như sẽ có một chuyến công tác Trường Sa nữa”, để tôi lại được nhìn Tổ quốc từ biển khơi, gặp lại những người con kiên trung của Tổ quốc.

Nhớ lắm Trường Sa

Nhà báo Hà Văn Kiệm 

“Cuộc sống này đầy những bất ngờ, có khi là bất trắc. Thi thoảng, các em nên ngồi tịnh tâm, nhớ lại và tri ân những căn nhà, những cái cây, những chiếc xe, những con tàu, hay những địa danh mình từng được cư trú bình an…”. Vị thầy của tôi nói vậy, trong một lần trao đổi về sự tri ân. Nghe vậy, không hiểu sao, trong trí nhớ của tôi như có một thước phim quay chậm về Trường Sa, những hòn đảo nơi có cột mốc chủ quyền sừng sững với lá cờ Tổ quốc. Nhớ Trường Sa là nhớ đến những người lính  rắn rỏi, bản lĩnh giữ yên bờ cõi quê hương. Nhớ giọng một vị tướng đã nghẹn lại khi nhắc đến những đồng đội dũng cảm hy sinh khi bảo vệ đảo khi bị quân Trung Quốc tấn công năm 1988 ở Gạc Ma, chúng tôi cũng như chết lặng…

Về lại với đất liền, nhưng tôi vẫn dõi theo Trường Sa. Mọi thông tin từ Trường Sa gần như tôi không bỏ sót. Biển Đông có thêm một cơn sóng dữ là thêm một nỗi vất vả cho các chiến sĩ ngoài đó, là thêm một nỗi lo lắng từ đất liền.

 Gần đây, Trung Quốc đang quyết liệt cải tạo, bồi đắp các bãi đá thành công trình khổng lồ trên Biển Đông trong có cả những bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam. Là một nhà báo, mỗi lần nghe, hoặc xử lý thông tin về những hành động gây hấn của Trung Quốc là trái tim tôi lại nhói đau, tức giận. Nhưng tôi tin vào chính nghĩa, tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. 

Tôi muốn nói với các chiến sĩ hải đảo rằng không một ngày nào ở đất liền không dõi về Trường Sa, nhất là cánh nhà báo chúng tôi. Các anh hãy vững lòng, Tổ quốc hướng về các anh. Còn tôi, tôi mong lắm trong một ngày gần nhất sẽ được trở lại Trường Sa một lần nữa.

Thèm nghe tiếng đất liền

Để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi ảnh 3Nhà báo Tuấn Dũng

“Đi mãi tận Trường Sa, đâu phải ai cũng có vinh dự ấy”. Chuyện về Trường Sa thì nhiều lắm, kỷ niệm về Trường Sa thì không bao giờ có thể quên được. Dường như lúc nào những kỷ niệm ấy cũng ám ảnh những người làm báo chúng tôi, khiến chúng tôi thao thức và nghĩ nhiều vì những kỷ niệm ấy…

Lần ra Trường Sa năm ấy, hành trình về đất liền của chúng tôi phải đi qua khu vực Trạm dịch vụ kinh tế kỹ thuật Bà Kè (nhà giàn DK1). Gọi là “Trạm”, nhưng để bạn đọc dễ hình dung thì đó là một cái nhà sàn bằng sắt với 4 chân được dựng trên một bãi đá ngập sâu dưới hàng chục mét nước, sóng gió có thể vùi dập bất cứ lúc nào. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà giàn, các ca sĩ, nhạc sỹ đi cùng tíu tít giao lưu văn nghệ với cán bộ trực tại đây. Những tiếng hát thi nhau cất lên, mọi người ai cũng nói cười mừng rỡ. Nhưng tại căn phòng thông tin nhỏ phía góc nhà giàn, cậu cán bộ trẻ Bùi Minh Luân lại không tham gia giao lưu chung với mọi người mà cầm bộ đàm Icom rồi thò tay quá cánh cửa. Hóa ra, nghe tin có đoàn văn công ra thăm, những cán bộ của Trạm DK1-20 và tàu HQ 636 đang trực cách đó 17 hải lý vội gọi về Trạm DK1 đề nghị giúp họ được nghe những “tiếng hát của đất liền”. Không có cách nào khác, Luân đành ngồi bóp bộ đàm cả tiếng đồng hồ chỉ để giúp đồng nghiệp nghe được những tiếng hát ấy.

Tôi không biết mặt những người lính trên tàu HQ636 và tôi cũng chưa bao giờ được gặp những cán bộ của trạm DK1-20, nhưng khi cầm vào cục Icom nóng như than, tôi cũng hiểu cái khát khao của những người lính đang ngày đêm gác biển. Tôi hiểu được nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ đất liền của các anh và tôi hiểu được tình đồng đội sẻ chia của những người lính biển. Luân nói với tôi một câu rất thật: “Tụi em nhớ đất liền lắm. Ở đây quanh năm làm bạn với mây trời, sóng nước, anh không hiểu bọn em thèm nghe tiếng khách đến thăm tới mức nào. Mỗi lần có đoàn ra thăm đảo, bọn em cảm giác như cảm nhận được cả mùi quê mẹ, tiếng quê mẹ. Nếu các anh còn hát thì cánh lính đầu dây bên kia có thể ngồi nghe suốt ngày không cần ăn cơm”. “Mùi quê mẹ” và “tiếng của đất liền” dường như trở nỗi nhớ mà những người lính đảo lúc nào cũng khát khao, khắc khoải đến cháy lòng.

Những người chiến sĩ luôn nhìn thẳng về phía trước

Nhà báo Đức Tuấn

Đã 8 năm tôi đến với quần đảo Trường Sa, nhưng giờ đây mỗi khi ở đâu đó cất vang lời ca, tiếng hát về nơi ấy thì hình hài thiêng liêng, một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi lại dậy sóng lòng tự hào và thương nhớ. 


Tôi ấn tượng với hình ảnh những người lính làm lễ gấp từng nếp cờ, hình ảnh hát Quốc ca vào mỗi buổi chào cờ sáng ban mai ở mỗi hòn đảo chìm Thuyền Chài, An Bang hay Trường Sa lớn là nhịp đập là máu thịt của Tổ quốc yêu thương mà tôi hay mỗi người sống trong giây phút ấy đều cảm nhận một cách rõ ràng nhất. Năm 2007, dù chuyến đi đó mới là lần đầu nhưng trong suy nghĩ suốt hành trình trên con tàu HQ 936 đến với quần đảo Trường Sa, trong tôi đã chứa đựng một niềm tin rằng lính biển là những chiến sĩ can trường, luôn nhìn thẳng về phía trước. 

Bữa trưa hôm đó được tổ chức dưới tán bàng vuông giữa đảo Trường Sa lớn. Đảo trưởng Nguyễn Đại Dương đã nói với tôi: “Cha mẹ sinh ra tôi để canh giữ biển trời, và tôi sinh con tôi ra cũng theo “dòng máu lạc hồng”. Tôi đã hướng con tôi vào lính biển và cậu đã trở thành lính đảo Trường Sa tiếp bước tôi”. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ về người lính trẻ Ngọc Anh con trai đảo trưởng Nguyễn Đại Dương kể về những lần gấp cờ Tổ quốc. Ngọc Anh bảo mỗi tuần phải thay một lá cờ, thậm chí vài ngày đã phải thay rồi. Nhưng mỗi lần hạ cờ thay mới là nghi lễ rất trang nghiêm. Từng nếp gấp cờ cũ, từng động tác mở cờ mới đều như mở tim mình, rất xúc động, tự hào. 

Lính Trường Sa, bao giờ cũng coi dải đất liền hình chữ S kéo dài từ Lũng Cú, Đồng Văn đến mũi Cà Mau tất thảy đều là nhà. Những ai đã ra thăm đảo cũng mang ra đảo những món quà quê hương thật dân dã, hạt rau dền, rau muống, đậu xanh… bởi đó là “hơi ấm của đất liền” gửi đến các anh nơi đầu sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Còn khi trở về, ai cũng muốn mang về một chút kỷ niệm của đảo. Tôi mang về đất liền một con ốc biển. Và tôi còn mang về đất liền cả tình cảm của người lính Trường Sa.

Tôi nhớ nụ cười ở Trường Sa
Để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi ảnh 5Nhà báo Việt Cường

Trong cuộc đời làm báo của mình cho đến bây giờ tôi vẫn coi chuyến đi Trường Sa là một trong những chuyến đi may mắn nhất mà mình có được bởi đó là ước mơ của cả một đời. 10 ngày trong chuyến đi chúng tôi lần lượt tới thăm các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đáng nhớ với một phóng viên như tôi. Điều luôn hiện lên trong tôi mỗi khi nhớ đến Trường Sa đó là những nụ cười. Nụ cười của những người lính đảo ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi núm ruột thân thương của Tổ quốc Việt Nam luôn có một điều gì đó ngời sáng tin yêu từ trong ánh mắt, bất chấp những gian khổ, hy sinh. 


Nụ cười ấy dù là của những người lần đầu tiên mới được gặp mặt nhau nhưng nó thân thương như thể những người thân quen lâu ngày mới được gặp lại. Và cũng chính những nụ cười ấy khi chia tay nó bịn rịn, lưu luyến nhưng vẫn ánh lên đầy sự rắn rỏi, gan góc như muốn truyền đi một thông điệp, các đồng chí cùng đoàn công tác lên đường bình an, hãy yên tâm khi ở nơi đây vẫn còn có chúng tôi. Ở các điểm đảo Trường Sa dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ thiếu đi những nụ cười của người lính. Tôi đã chụp rất nhiều những bức ảnh về những nụ cười ấy. 

Rồi thời điểm chia tay cũng đến. Trong giây phút ấy nhiều người trong đoàn công tác chúng tôi đã xúc động không cầm được nước mắt. Khi tàu bắt đầu rời bến, những người lính đảo vẫy tay tạm biệt với những nụ cười rạng rỡ. Khi ấy tôi đã giơ máy ảnh để chụp nụ cười của Chiến sĩ Nguyễn Đông Vũ, chàng trai mà tôi đã có dịp trò chuyện ở trên đảo. Nụ cười của Vũ thật đặc biệt và đáng nhớ nhất trong những bức ảnh tôi đã chụp. Có những giây phút Vũ đã trầm ngâm, lặng đi bên tôi khi nhắc về những người thân và gia đình, nhưng khi nhìn thấy nụ cười rạng ngời của Vũ ở cầu tầu tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, vững vàng và tự tin của một người lính trẻ tuổi. Tôi tin, dù có khó khăn gian nan thế nào đi chăng nữa thì Vũ các chiến sỹ Trường Sa vẫn luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt rạng ngời để giữ vững biển đảo, chủ quyền của đất nước. 
Gửi ra đảo tình cảm của hậu phương
Để được nhìn Tổ quốc từ biển khơi ảnh 6Nhà báo Đỗ Trần Quân

Đến giờ tôi cũng chẳng biết đã có bao nhiêu lớp lớp phóng viên, nhà báo đến với Trường Sa. Còn tôi, chưa có cơ may ấy, ở lại trong đất liền bình yên này, tôi muốn làm một điều gì đó cho những người lính đảo, và tôi đã đi tìm, gặp những người thân của họ, viết về họ với hy vọng những người lính có thể qua bài báo của tôi được gặp gỡ người thân của mình.

Và mỗi hậu phương của một người chiến sĩ lại là một câu chuyện khác nhau, là những nỗi nhớ khác nhau. Nỗi nhớ ấy đong đầy trong căn hộ 10m2 trên tầng 5 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi ba mẹ con chị Đường Thị Toàn (SN 1973), vợ Thiếu tá Trương Phúc Hải (SN 1969), công tác tại đảo Trường Sa Đông, quần đảo Trường Sa vẫn chu toàn mọi việc mong anh vững tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Còn với chị Nguyễn Mai Uyên (SN 1978), hậu phương của Đại úy Nguyễn Trung Phương, quyền Cụm trưởng đảo Trường Sa Lớn thì tâm sự rằng mọi thứ đã quen rồi, sự xa cách dù tủi thân, dù buồn lắm nhưng phải gắng gượng để anh và đồng đội nơi đảo xa vững chí, bền lòng hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển đảo Tổ quốc.

Hay như chị Nguyễn Huyền Thương, hạnh phúc làm vợ chỉ vỏn vẹn đúng có 3 ngày đã phải xa chồng - Trung úy Nguyễn Quang (SN 1986), nguyên Trợ lý Hóa học tại đảo Sơn Ca phải nói lời từ biệt vợ để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Và còn đó những người mẹ như bà Đào Kim Anh, mẹ Trung úy Trần Trường Giang, người phải thực thi nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát Biển mang số hiệu CSB 8001 ngày nào cũng trông ngóng nhớ thương con.

  Nơi đây, trong đất liền, nơi hậu phương có những người mẹ, người vợ, người yêu lính biển, tất cả những người phụ nữ ấy đều phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng với đức hy sinh, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ Việt Nam, họ đã gắng gượng vượt mọi khó khăn trong cuộc sống để các anh không phải lo lắng cho gia đình, yên tâm làm nhiệm vụ. 

Và tôi đã đến, gặp, nghe và ghi lại những chia sẻ, tâm tư, tình cảm của những người cha, người mẹ, người vợ… các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu đọc bài báo của tôi, hẳn các anh sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà, sẽ hết mực tự hào về hậu phương ấy - nơi mãi mãi là chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để các anh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.


Tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ

“Nụ cười Trường Sa” - ảnh Việt Cường

Đối với những chiến sĩ Trường Sa chúng tôi, món quà mà các phóng viên ra thăm đảo mang theo - những tờ báo, những bài báo là món quà vô giá, có cảm giác như hơi thở cuộc sống từ đất liền đang ở ngay bên cạnh - Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã nói như vậy. Lãnh đạo Bộ tư lệnh vùng 4 Hải Quân cho biết, những món quà ấy như là sự động viên, khích lệ và củng cố tinh thần cho các chiến sỹ. Các chiến sỹ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn. Không chỉ là phương tiện mà báo chí còn góp phần hun đúc tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ. 

Báo chí là nguồn động viên rất lớn đối với anh em chiến sĩ hải đảo. Nhất là những ngày có nhiều biến động, Biển Đông đứng trước thử thách, sóng gió thì sự động viên của lãnh đạo từ trực tiếp đến gián tiếp thông qua các kênh thông tin báo chí là cách “tiếp lửa” hữu hiệu. Báo chí đã góp phần tăng sức mạnh chiến đấu, tăng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Thế nên đồng hành cùng các chuyến hàng chở lương thực ra Trường Sa thì không thể thiếu được báo chí nhất là đối với những chiến sỹ mới lần đầu ra đảo. Đồng chí Ngô Xuân Cải, nhiều năm công tác ở Trường Sa cũng khẳng định. Tinh thần bảo vệ biển đảo lúc nào cũng thường trực thường trực trong tâm khảm của những người lính đảo, nhưng báo chí cũng đã tiếp thêm sức mạnh, động viên anh em vững vàng hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân cho biết, từ trái tim mình, các chiến sỹ luôn xác định bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ thiêng liêng và báo chí đã góp phần to lớn trong việc truyền tải thông điệp này. 

Đối với những người lính đảo thì mỗi tờ báo đều được các anh nâng niu gìn giữ rất cẩn thận. Thượng úy Nguyễn Tiến Lực nhiều năm công tác ở đảo Sinh Tồn bộc bạch: Mỗi tờ báo hay cuốn tạp chí khi ra đảo xa là từng chiến sỹ truyền tay nhau đọc. Có người còn đọc thuộc lòng nhiều bài viết mà mình yêu thích, nhất là những bài viết về những người lính đảo. Ở đảo nào cũng có phòng đọc sách, báo, tạp chí. Mỗi năm, trung bình Trường Sa đón 4 chuyến tàu tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm nên sách báo trên đảo bây giờ không khan hiếm như trước nữa. Mỗi khi nhận sách báo từ đất liền gửi ra, thông tin có bớt phần nóng hổi so với đất liền nhưng lính đảo vẫn rất hồ hởi.

Nhiều chiến sỹ Trường Sa đều có chung tâm trạng lần nào có đoàn khách công tác từ đất liền ra thăm đảo, thăm các chiến sỹ là anh em mừng lắm. Tình cảm quân dân giữa đất liền với đảo cùng những tờ báo thôi cũng là nguồn động viên vô cùng lớn giúp anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thiếu úy Nguyễn Văn Nam công tác ở đảo Nam Yết thổ lộ: “Những lúc cùng nhau chia sẻ những bài báo hay, những giờ đọc báo cũng chính là lúc lính đảo quây quần và thắt chặt tình cảm với nhau hơn”.

 Nhiều bài viết về biển đảo, về lòng yêu nước, về Tổ quốc, về những người lính  khiến cho nhiều chiến sĩ nơi đảo xa rất cảm động và nhận thức sâu sắc hơn niềm tự hào cũng như nhiệm vụ thiêng liêng của mình. 

Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, ngoài việc truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến các chiến sỹ nơi đảo xa thì báo chí còn truyền tải, gửi gắm những tình cảm, niềm tin yêu nơi hậu phương đến với những người chiến sĩ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng từ báo chí, các chiến sỹ cảm thấy đất liền gần hơn, như thể cảm nhận được cả hơi ấm từ đất liền”. Trong ánh mắt đầy ắp niềm tin, chiến sỹ Trần Văn Hùng từ đảo Trường Sa Lớn trong lần về thăm đất liền đã chia sẻ cứ mỗi khi có cảm giác nhớ nhà da diết thì lại mở những bài báo viết về đất liền, về hậu phương, về gia đình ra xem, vậy là tìm thấy sự gần gũi, thân thương rồi. 

Thông qua nhiều bài báo, nhiều chuyên mục trên các ấn phẩm báo chí các chiến sỹ nơi đảo xa còn kết nối được với người thân của mình ở đất liền. Nhiều chiến sỹ Trường Sa còn gửi gắm được cả những dòng tâm sự, những vần thơ mộc mạc đến với vợ con, cha mẹ của mình ở đất liền thông qua phương tiện báo chí. Chiến sỹ trẻ, Nguyễn Duy Hoàng trong lần về thăm đất liền đầu năm 2015 còn ghi chép địa chỉ email của rất nhiều cơ quan báo chí chỉ để có những thông tin gì anh gửi đến chia sẻ. Hoàng tâm sự với tôi báo chí chính là nhịp nối giữa đất liền với đảo xa.