Để chuyện buồn về lương hưu không tiếp diễn...

ANTD.VN - Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác về hưu với mức lương chưa tròn 1,3 triệu đồng/tháng đang khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, xót xa. Cô Trương Thị Lan đã bật khóc khi nhận quyết định nhưng về chính sách thì cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tính đúng.

Lương hưu của cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) được tính đúng nguyên tắc, đúng quy định

Trong cuộc họp trực tuyến của BHXH Việt Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, quyết định hưởng lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan được tính toán đúng quy định, trên cơ sở mức đóng BHXH, đảm bảo đúng nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Câu chuyện lương hưu giáo viên mầm non thấp không phải là mới và cô Trương Thị Lan cũng không phải là trường hợp cá biệt.

Lương thấp tại ai?

Những ngày gần đây câu chuyện lương hưu khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Trong khi việc giảm lương của lao động nữ chưa lắng xuống thì lại bùng lên chuyện giáo viên mầm non khóc không ra nước mắt khi nhận quyết định hưởng mức hưu 1,3 triệu đồng/tháng, sau 37 năm công tác. Xung quanh những băn khoăn, tranh luận của dư luận, lãnh đạo cơ quan BHXH đã có trả lời, cách tính lương hưu của cơ quan quản lý đối với cô Trương Thị Lan không sai, đúng nguyên tắc, đúng quy định.

Lý giải nguyên nhân vì sao giáo viên mầm non có mức lương hưu thấp, bà Đinh Thu Hiền cho rằng, lương hưu phụ thuộc vào hai yếu tố: tiền lương tham gia BHXH và thời gian đóng BHXH. Trước năm 1999, giáo viên mầm non ngoài biên chế không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Họ thường hợp đồng với địa phương và được trả lương bằng thóc.

“Luật Bảo hiểm xã hội 2006 vẫn chưa bình đẳng giữa người nghỉ hưu trong khu vực Nhà nước với khu vực ngoài Nhà nước như: trong khu vực Nhà nước, lương hưu tính bình quân một số năm cuối khi nghỉ hưu; nhưng ở khu vực ngoài Nhà nước lại tính cả quá trình từ năm bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội đến năm nghỉ hưu. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 phải hướng đến xử lý những bất cập đó”.

Ông Lê Đình Quảng (Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Từ năm 1999, khi Nghị định 73 khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao ra đời, Nhà nước mới cho đóng BHXH đối với giáo viên hợp đồng. Mặc dù, cô Trương Thị Lan có 37 năm công tác, nhưng mới đóng BHXH 22 năm 8 tháng.

Trong đó 17 năm là giáo viên hợp đồng, truy đóng BHXH bắt buộc với mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm ở mức thấp nhất (chỉ từ 120.000 đến 830.000 đồng); 4 năm 8 tháng được tuyển dụng biên chế, đóng BHXH trên mức lương 3,7 - 4,4 triệu đồng. Bình quân mức tiền lương tháng đóng BHXH của cô Lan là 1,8 triệu đồng.

Theo quy định của Luật BHXH, 15 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45%, sau đó thêm một năm được tính bằng 3% đối với nữ. Trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan có 22 năm 8 tháng đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 69%. Bên cạnh đó, mức lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH và thời gian đóng. Do chưa đủ số năm công tác để hưởng lương hưu mức tối đa, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thấp nên lương hưu của cô Trương Thị Lan chỉ là 1.262.000 đồng/tháng và được Nhà nước bù thêm 37.000 để bằng mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng.

Câu chuyện lương hưu giáo viên mầm non thấp là tình hình chung của nhiều địa phương

Hàng nghìn người hưởng lương hưu dưới mức tối thiểu

Dù dư luận không khỏi bất ngờ với mức lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan, nhưng đại diện cơ quan BHXH cho biết, lương giáo viên mầm non thấp không phải là chuyện mới và cô Trương Thị Lan cũng không phải trường hợp cá biệt mà là tình hình chung của nhiều địa phương.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh, nơi cô Trương Thị Lan sống có hơn 200 giáo viên mầm non đang hưởng lương hưu bằng với mức lương cơ sở. Theo số liệu từ Trung tâm công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam, hiện đang có hơn 3.200 người phải hưởng mức lương hưu dưới mức lương cơ sở và nhóm hưởng lương hưu thấp hơn lương cơ sở không phải chỉ có giáo viên mầm non.

Bên cạnh giáo viên mầm non, những cán bộ cấp xã không chuyên trách có mức đóng BHXH chỉ trên mức lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH ngắn, thường chỉ đóng BHXH từ tháng  1-1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm thì tỉ lệ hưởng của họ dao động từ 55-60% nên chắc chắn mức hưởng lương hưu của họ sẽ rất thấp dù thực tế đã thấp rồi. 

Ngoài ra, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có lẽ sẽ là nhóm có mức lương hưu thấp nhất. Theo quy định của pháp luật, mức BHXH thấp nhất đóng trên nền chuẩn nghèo khu vực nông thôn, tức khoảng 700.000 đồng/tháng. Đây cũng chính là mức lương hưu thực nhận của họ bởi theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện và cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách không thuộc đối tượng được bù cho bằng mức lương cơ sở như giáo viên mầm non.

BHXH Việt Nam cho biết, Quỹ BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng đã được quy định trong luật, vì vậy chỉ với mức đóng BHXH cao thì người lao động nghỉ hưu mới được hưởng mức lương hưu cao hơn. Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH cũng được điều chỉnh gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Đảm bảo an sinh bền vững

Dù cơ quan BHXH đã khẳng định, quyết định hưởng lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan căn cứ trên các quy định của pháp luật về BHXH hiện hành nhưng dường như dư luận xã hội vẫn chưa thấy thỏa mãn. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao những giáo viên mầm non như cô Trương Thị Lan, dù đã được Nhà nước hỗ trợ vẫn phải sống bấp bênh bằng chính đồng lương của mình? Nếu không có sự thay đổi kịp thời thì bước sang năm 2018, với tỉ lệ lương hưu bị giảm như quy định tại Điều 56, Luật BHXH thì đội quân sống dưới mức nghèo khó chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Theo chuyên gia lao động, mục đích của nguyên tắc đóng hưởng để đảm bảo công bằng trong chính sách, giữ vững nguồn quỹ, không vỡ Quỹ BHXH. Bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động có thể lấy số đông bù số ít, người khỏe bù người ốm đau. Nhưng bảo hiểm hưu trí thì không ai bù cho ai cả.

Nếu điều chỉnh mức hưởng cao hơn mức đóng sẽ làm mất cân đối Quỹ BHXH. Cần phải giải thích để người tham gia BHXH thấy rằng muốn hưởng lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao, thời gian đóng BHXH phải dài hơn để được đủ 75% lương bình quân khi về hưu.

Đối với nguyên tắc đóng - hưởng, từ câu chuyện của cô giáo Trương Thị Lan, nói một cách khách quan, về mặt chính sách cơ quan quản lý không làm sai. Nhưng có thể khẳng định chính sách pháp luật về BHXH đã xuất hiện những điểm không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Chính sách hưu trí được xem như “tấm lưới” bảo vệ người lao động tránh rơi vào nghèo đói khi hết tuổi lao động. Do đó, cơ quan quản lý phải nghiên cứu, điều chỉnh sao cho mức đóng BHXH của người lao động dù trên nền lương cơ sở hay lương tối thiểu thì mức tối thiểu phải đủ sống thì câu chuyện buồn về lương hưu mới không tiếp diễn, để BHXH thực sự là trụ cột an sinh của xã hội.