Để các trường tiểu học kiểm soát tốt hơn chất lượng bữa ăn bán trú

ANTD.VN - Mặc dù các trường tiểu học đã đổi mới việc giám sát thực phẩm bếp ăn bán trú với sự tham gia của phụ huynh nhưng do tần suất không thường xuyên, việc định lượng và đong đếm dinh dưỡng suất ăn hàng ngày của học sinh vẫn chưa tạo được độ tin cậy cao.

Mới đây, trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) lại trở thành tâm điểm của dư luận về vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú. Với suất ăn trị giá 28.000 đồng không hề rẻ nhưng lại bị “tố” là quá đạm bạc khi chỉ lèo tèo ít thịt và rau. Mặc dù cơ quan quản lý đã kiểm tra và trả lời công khai thắc mắc của phụ huynh cho rằng hình ảnh phản ánh không đầy đủ bữa ăn và gây hiểu nhầm nhưng sự việc vẫn khiến các bậc phụ huynh lo ngại trong việc kiểm soát bữa ăn hàng ngày của con ở trường học.

Để các trường tiểu học kiểm soát tốt hơn chất lượng bữa ăn bán trú ảnh 1Chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh luôn là tâm điểm của dư luận

Phụ huynh chỉ biết hỏi: “Con hôm nay ăn gì?” 

Chị Nguyễn Mai Anh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Vĩnh Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, gần đây thông tin về thực phẩm bẩn, bữa ăn kém chất lượng, nghèo dinh dưỡng khiến chị cũng như các gia đình có con ăn bán trú tại trường rất băn khoăn về thực chất bữa ăn ở trường của con mình.

“Nếu như ở các trường tư, phụ huynh có quyền tham gia ban kiểm soát đầu vào thực phẩm hay đột xuất kiểm tra khu chế biến thức ăn của nhà trường thì ở các trường công lập, vấn đề này chẳng mấy phụ huynh đề cập đến. Tôi chỉ biết hàng ngày hỏi con ăn gì ở trường, có ăn no không? Nếu thấy con trả lời là ngon thì coi như bằng lòng nhưng thực chất tôi vẫn băn khoăn lắm mà không biết nên đề cập với thầy cô như thế nào cho tế nhị, không mếch lòng”, chị Nguyễn Mai Anh chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có hơn 650.000 học sinh Tiểu học, trong đó có hơn 50% ăn bán trú ở trường do vậy, việc quan tâm tới bữa ăn bán trú là tất yếu - “Ở bậc mầm non, chăm sóc trẻ là nhiệm vụ chính nên các trường rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, có tiêu chí cụ thể đối với bữa ăn bán trú. Còn với bậc Tiểu học, việc tổ chức bán trú chủ yếu đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con cả ngày.

Do đây không phải nhiệm vụ chuyên ngành nên các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt là xây dựng thực đơn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý lứa tuổi”. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế và đơn vị chuyên trách về thực phẩm dinh dưỡng triển khai dự án bữa ăn học đường với phần mềm xây dựng thực đơn bữa ăn chuẩn dinh dưỡng cho học sinh Tiểu học bán trú, được thẩm định và thống nhất triển khai 63 tỉnh thành phố với tất cả trường Tiểu học.

Theo các chuyên gia xây dựng phần mềm này thì việc thiết kế bữa ăn bán trú bằng phần mềm sẽ giúp các trường hài hòa được nhu cầu dinh dưỡng và được định lượng chính xác các loại thực phẩm cần có, cân đối trên gia thành cho phép chi cho mỗi bữa ăn. Ví dụ được các chuyên gia đưa ra là phần mềm giúp hạn chế lượng muối theo hướng giảm thiểu để đảm bảo sức khỏe học sinh. Theo khuyến cáo thì mỗi người chỉ nên sử dụng khoảng 5 gram muối một bữa nhưng thực đơn được tính toán bằng phần mềm chỉ đưa vào trên dưới 2 gram muối. Thông thường một bữa ăn bán trú chỉ có 5-7 nguyên liệu thực phẩm nhưng với thực đơn đạt chuẩn phải có hơn 10 nguyên liệu thực phẩm cân bằng dinh dưỡng...

Có thể thấy, phần mềm này sẽ đem lại cho học sinh cơ hội đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn bán trú. Thực đơn này cũng sẽ được công khai tới các bậc phụ huynh. Đây sẽ là cơ sở để phụ huynh yên tâm và có thể chủ động kiểm soát bữa ăn của con theo các chi tiết nêu rõ trong thực đơn. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề triển khai bữa ăn dinh dưỡng học đường này, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) Trần Văn Hà cho biết, trường này chưa triển khai chương trình phần mềm xây dựng thực đơn bữa ăn học đường.

Thay vào đó, nhà trường vẫn sử dụng dịch vụ truyền thống của phía cung cấp thực phẩm từ 9 năm nay. Lý giải vấn đề này, ông Trần Văn Hà cho biết dù có văn bản chỉ đạo nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn cần lắng nghe, nắm bắt thông tin tốt hay không, ưu nhược điểm thế nào rồi mới thực hiện. Thực tế, khi được hỏi phụ huynh ở trường này thì nhiều người khẳng định chưa hề nghe đến phần mềm này và cho rằng nếu áp dụng thì sẽ giúp phụ huynh có thêm căn cứ để giám sát bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho con em mình.  

Có trường chỉ chi 11.000 đồng cho bữa ăn đủ chất

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT nhận định còn nhiều khó khăn hạn chế như việc cán bộ phụ trác bán trú chưa được tập huấn chuyên môn kiến thức xây dựng bữa ăn hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh. Thêm một vấn đề là nguồn kinh phí chi cho bữa ăn học sinh bị giới hạn bởi điều kiện kinh tế của nhiều địa phương, gia đình còn khó khăn.

Theo chuyên gia dinh dưỡng cung cấp phần mềm này, khi triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng các chuyên gia đã tính đến vướng mắc của nhà trường khi thực hiện thực đơn. Ví dụ như hãng cung cấp không có, không đủ hoặc hết các nguyên liệu cần có của bữa ăn hôm đó thì phần mềm sẽ cung cấp những nguyên liệu có hàm lượng dinh dưỡng tương đương để cân bằng dinh dưỡng bữa ăn. Phần mềm cũng tính được giá tiền của thực đơn. Trước đây rất mất thời gian phải tính từng ngày, phức tạp. Hiện chỉ cần lưu giá thực đơn ký với nhà cung cấp, nhập số lượng học sinh thì các trường sẽ có thông tin tổng lượng thực phẩm, tổng cho phí cho nguyên liệu thực phẩm, chia đều cho học sinh chi phí cho một bữa ăn.

Tuy nhiên, vẫn có trường thắc mắc như trường Tiểu học Tô Hiệu (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) tính ra trường này có 100-120 học sinh đăng ký ăn bán trú. Tính cả chi phí cho 2 người nấu, 4 thầy cô trông trưa, nguyên liệu chế biến, công tác quản lý... nhà trường thu 15.000 đồng cháu/bữa. Vậy không biết số tiền còn lại có đủ cho thực đơn chuẩn hay không? Câu hỏi này được đặt ra với các chuyên gia cung cấp phần mềm và được cho biết, còn phụ thuộc nhiều vào giá cả thực phẩm ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, ở Lạng Sơn đã có những trường thu có 11.000 đồng nhưng vẫn thực hiện được bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng dựa vào nguồn nguyên liệu phù hợp. 

Bà Đinh Thùy Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho biết, trường này đã thí điểm chương trình bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng 2 năm qua. “Phần mềm này rất thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo uy tín với phụ huynh trong việc xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng. Các món ăn rất bắt mắt, ngon miệng, học sinh rất thích. Thông qua bữa ăn, học sinh được ăn đa dạng nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ. Nhiều học sinh trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn rau, cá... thì nay đã thay đổi thói quen không tốt này”, bà Đinh Thùy Dung thông tin. 

“Hơn 400 trường Tiểu học toàn thành phố sẽ đồng loạt triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Với việc triển khai phần mềm này, Hà Nội đã thẩm định được 40 thực đơn trong trường học, không trùng lặp, giúp cho các trường có công cụ để xây dựng bữa ăn của học sinh với đầy đủ dưỡng chất với mức phí phù hợp với từng cơ sở, góp phần quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn, thực phẩm dinh dưỡng cho học sinh ăn bán trú”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội)

 “Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Tuy vậy, các trường Tiểu học bán trú còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn do còn hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp chi phí thu hàng tháng”.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)