Đẩy lui bạo lực tình dục: Vượt qua sự xấu hổ, tủi nhục và định kiến

ANTĐ - Trên thực tế, phụ nữ và trẻ em gái có thể gặp nhiều hình thức bạo lực tình dục (BLTD) khác nhau, nhưng chỉ hiếp dâm và cưỡng dâm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo các chuyên gia, đây là khoảng trống lớn cần được “rào” ngay.

Đẩy lui bạo lực tình dục: Vượt qua sự xấu hổ, tủi nhục và định kiến ảnh 1

Vợ chồng phải chấp nhận?

Chị Nguyễn Thị Thân (Hòa Bình) đã nhiều năm liền phải sống trong tủi nhục. Chồng chị đi làm ăn xa, quan hệ tình dục với gái mại dâm nên học được nhiều “ngón nghề” quái đản. Về nhà, anh ta mở băng sex rồi bắt vợ phải thực hiện các tư thế để chiều chồng. Nếu như chị không đáp ứng thì anh ta chửi mắng, đánh đập. Cũng do chồng không chịu sử dụng các biện pháp tránh thai, chị lại bị phản ứng với thuốc tranh thai và đặt vòng nên đã 9 lần chị phải đi nạo hút. “Nhiều lần tôi đã tìm đến cái chết nhưng thương ba đứa con nhỏ dại nên đành gạt nước mắt quay về. Chuyện này xấu hổ nên tôi càng không dám chia sẻ với ai. Vài người nhà biết chuyện thì khuyên tôi chấp nhận vì “làm vợ phải chiều chồng, có báo chính quyền cũng chả ai can thiệp chuyện “chồng yêu vợ”, có khi còn bị chồng hành thêm, lại bị người khác giễu cợt”.

Nghiên cứu “Thực trạng bạo lực tình dục và cách ứng phó” của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA đối với 165 nạn nhân bị bạo lực gia đình tại một số xã ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) và huyện Tân Lạc (Hòa Bình), phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cho thấy, hơn 85% các chị thường xuyên bị chồng cưỡng ép quan hệ tình dục bất cứ lúc nào mà không quan tâm đến cảm xúc hay thái độ của vợ. Đặc biệt, 60% chị em bị ép buộc quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang đau ốm, 43% bị ép “thực hành” như trong phim khiêu dâm. Ngoài ra, 7% bị chồng dùng các dụng cụ kích dục gây đau đớn và sợ hãi. 4% người chồng còn có các hành động kỳ quái khác… 

Nghiên cứu đa quốc gia về xử lý của cảnh sát và các cơ quan tố tụng với các vụ BLTD  tại 3 nước Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, phát hiện chính từ Việt Nam (của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc UNODC) cho thấy, ở Việt Nam có một niềm tin phổ biến là khi một phụ nữ đồng ý lập gia đình, nghĩa là cô ấy đồng ý quan hệ tình dục và khi nào còn tồn tại đời sống hôn nhân, khi đó không thể chấm dứt quyền về tình dục. “Phần đông cảnh sát, điều tra viên được phỏng vấn trong nghiên cứu đình chỉ vụ việc có liên quan đến bạo lực giới đều có quan điểm rằng hiếp dâm trong hôn nhân không xảy ra hoặc không được coi là tội phạm hình sự, điều này phản ánh niềm tin truyền thống là hôn nhân khiến phụ nữ phải có nghĩa vụ giao cấu với chồng mình vào bất cứ lúc nào anh ta muốn, theo kiểu mà anh ta thích. Định kiến đó ngăn trở phụ nữ tố cáo các vụ BLTD hoặc có tố cáo cũng không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền, cơ quan hành pháp. Nghiên cứu cho thấy rất ít vụ việc BLTD trong gia đình được trình báo”, TS Đào Lệ Thu – thành viên nghiên cứu nhấn mạnh. 

Luật hạn hẹp

Bà Eileen Skinnider (chuyên gia quốc tế về giới tại Việt Nam) cho biết, định kiến giới không chỉ khiến đa số người dân hiểu sai về BLTD mà ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng bị ảnh hưởng. Đa phần mọi người cho rằng nếu người bị hiếp dâm không đồng ý thì phải có các dấu hiệu bạo lực như quần áo rách, cơ thể bị xây xước… Còn nếu nạn nhân không kháng cự hoặc không có bằng chứng chống cự đồng nghĩa với đồng ý. TS Đào Lệ Thu (trường Đại học Luật Hà Nội) chỉ ra rằng, hiếp dâm và cưỡng dâm được định nghĩa khá hạn hẹp trong Luật Hình sự. Hành vi ngăn cấm chỉ nói tới “giao cấu” giữa hai bộ phận sinh dục. Nhưng trên thực tế, có nhiều hành vi hiếp dâm qua đường hậu môn hoặc xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể hoặc dùng các vật thể khác để thâm nhập. “Thực tế các hành vi xâm hại cơ thể khác cũng gây tổn hại về sức khỏe và tinh thần không kém gì “giao cấu”. Ngoài ra, định nghĩa truyền thống về hiếp dâm đòi hỏi yếu tố sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà bỏ qua trường hợp nạn nhân ở hoàn cảnh quẫn bách, không có khả năng phản kháng hoặc có trường hợp bên nữ chấp nhận giao cấu do sợ hãi bị tổn hại hơn. Như vậy, nếu nạn nhân khi bị hiếp dâm không la hét, không chống cự, không có bằng chứng bị tổn thương cơ thể cũng dễ bị hiểu sang “đồng thuận quan hệ tình dục”. 

Ngoài ra, định kiến cho rằng xâm phạm tình dục chỉ xảy ra với những phụ nữ và trẻ em gái “ngoan” và “ngây thơ”. Còn những người bị quy chụp là dạn dĩ, hư hỏng (ví dụ như em gái say rượu, ăn mặc “ít vải” hoặc cử chỉ suồng sã) nếu bị hiếp dâm thì lỗi là ở họ. 

Cần luật hóa những quy định mới về tấn công tình dục

Tại hội thảo Định kiến giới trong hệ thống tư pháp và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực dựa trên cơ sở giới, các đại biểu đề xuất cần mở rộng phạm vi của các tội BLTD: sửa đổi định nghĩa về tội hiếp dâm và cưỡng dâm, mở rộng phạm vi các hành vi bị cấm; áp dụng tội hiếp dâm không phụ thuộc vào bản chất của mối quan hệ (bao gồm cả hiếp dâm trong hôn nhân); quy định mới về tấn công tình dục trong đó có cả đụng chạm tình dục không mong muốn, xác lập tội phạm mới về quấy rối tình dục, tội đeo bám… Hình sự hóa về mại dâm ép buộc…