Dấu hiệu và cách phòng tránh viêm não mô cầu gia tăng trong mùa hè

ANTD.VN - Viêm não mô cầu là một trong các bệnh dễ mắc phải vào mùa hè. Các ca truyền nhiễm vi khuẩn não mô cầu hay còn gọi là vi khuẩn “ăn não” này mặc dù không nhiều nhưng đây là dịch bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng.

Dấu hiệu và cách phòng tránh viêm não mô cầu gia tăng trong mùa hè ảnh 1Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine

Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tủy gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.

Theo các bác sĩ, loại bệnh này rất khó phát hiện dấu hiệu ban đầu nếu không có kết quả xét nghiệm. Triệu chứng của bệnh thường là sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5- 15%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine. 

Hiện tại, có 2 loại vaccine phòng não mô cầu được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam gồm: Vaccine VA-Mengoc-BC và Vaccine Polysaccharide Meningococcal A+C.

Ngoài ra, các cách phòng chống bệnh hữu hiệu là vệ sinh phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe và thực hiện đúng nguyên tắc dự phòng khi trong vùng có người mắc bệnh, cụ thể: 

- Cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng. 

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…). 

- Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.

- Người tiếp xúc gần với bệnh nhân (là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… ) cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.