Dấu hiệu mệt mỏi liên tục cảnh báo tình trạng bệnh lý nghiêm trọng

ANTD.VN - Mệt mỏi có thể do bạn làm việc quá sức, căng thẳng, thiếu ngủ; tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh lý.
 

Thiếu máu

Mệt mỏi do thiếu máu là kết quả của việc thiếu tế bào hồng cầu, mang oxy từ phổi đến các mô và tế bào khiến bạn có thể cảm thấy yếu ớt và khó thở. Thiếu máu có thể do thiếu sắt, thiếu vitamin, mất máu, hoặc bệnh mãn tính như viêm khớp dạng thấp, ung thư hoặc suy thận. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đặc biệt dễ bị thiếu máu do trong thời kỳ kinh nguyệt và nhu cầu bổ sung sắt trong thời gian mang thai và cho con bú.

Các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, khó ngủ, thiếu tập trung, nhịp tim nhanh, đau ngực và đau đầu. Tập thể dục như leo cầu thang hoặc đi bộ có thể cải thiện tình trạng này. Thiếu máu không phải là bệnh vì vậy cách điều trị đơn giản là bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt.

Mất nước

Mất nước có thể tác động đến tâm trạng và mức năng lượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng các bộ phận của bộ não co lại khi thiếu nước. Ngoài mệt mỏi, các triệu chứng khác bao gồm nước tiểu sẫm màu, sương mù não, ngón tay bị sưng, đau đầu và da khô. Mất nước nhẹ rất dễ điều trị. Chỉ cần uống nhiều nước hơn.

Bệnh tuyến giáp

Cường giáp gây ra sự mệt mỏi và yếu cơ. Các triệu chứng khác bao gồm sụt cân, nhịp tim tăng, khát nước... Cường giáp thường xảy ra ở phụ nữ độ tuổi 20 và 30.

Suy giáp gây ra các triệu chứng như tăng cân do giữ nước, cảm thấy lạnh mọi lúc và táo bón. Suy giáp phổ biến nhất ở phụ nữ trên 50 tuổi; trên thực tế, có tới 10% phụ nữ trong độ tuổi 50 sẽ bị suy giáp. Bệnh tuyến giáp có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu. 

Bệnh tiểu đường

Đường còn được gọi là glucose, là nhiên liệu giúp cơ thể hoạt động. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không thể sử dụng glucose đúng cách, khiến nó tích tụ trong máu. Không có đủ năng lượng để giữ cho cơ thể hoạt động trơn tru, những người mắc bệnh tiểu đường thường mệt mỏi - đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh này.

Ngoài cảm giác mệt mỏi, các dấu hiệu khác bao gồm khát nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, đói, sụt cân, khó chịu, nhiễm trùng nấm men và thị lực kém. Bác sĩ sẽ tư vấn cách kiểm soát các triệu chứng của bệnh thông qua thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc.

Căng thẳng

Trầm cảm có thể làm giảm năng lượng, thay đổi thói quen ngủ và ăn uống; các vấn đề về trí nhớ và sự tập trung;  cảm giác tuyệt vọng và suy nghĩ tiêu cực. Căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bởi căng thẳng sẽ khiến tuyến thượng thận mệt mỏi, cortisol tăng vọt làm bạn cảm thấy kiệt sức.

Mất ngủ

Mỗi người cần một lượng thời gian ngủ khác nhau, có người chỉ ngủ 6 tiếng nhưng cũng có người ngủ đến 9, 10 tiếng. Lý do bạn bị mất ngủ là do giảm melatonin - hormone thư giãn cần thiết của cơ thể. Nếu bạn bật đèn sáng trong phòng ngủ hoặc xem TV trước khi đi ngủ sẽ làm giảm đáng kể melatonin. Mất ngủ sẽ gây mệt mỏi vào sáng ngày hôm sau.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ thường biểu hiện bằng ngáy và gây mệt mỏi vào ngày hôm sau. Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến bệnh tim, cao huyết áp và đột quỵ, vì vậy bạn cần được điều trị kịp thời. Nếu được chẩn đoán bị ngưng thở khi ngủ, bạn có thể sử dụng một thiết bị CPAP (áp lực dương liên tục) trong khi bạn ngủ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật.