Dấu hiệu cảnh báo xương suy yếu

ANTD.VN - Những người từ 65 tuổi trở lên, rất dễ gặp những vấn đề về xương như loãng xương, xương yếu và nguy cơ gãy xương khi bị chấn thương. 

Lão hóa xương là một quá trình tự nhiên và không thể tránh khỏi, tuy nhiên chúng ta sẽ sớm nhận biết được các dấu hiệu xương đang “già đi” để điều chỉnh lại thói quen ăn uống, sinh hoạt nhằm làm chậm lại quá trình này. 

Móng tay dễ bị gãy

Móng tay dễ bị gãy cho thấy xương của bạn giòn. Nghiên cứu khoa học cho thấy, những người có nồng độ collagen thấp (một loại protein tăng cường) trong móng tay, dễ dẫn đến xương yếu, giòn. Trong khi đó, móng tay yếu cho thấy cơ thể thiếu canxi. Để bổ sung canxi, bạn cần tăng số lượng các loại thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như sữa, sữa chua, phô mai, cải xoăn, súp lơ xanh, cá mòi. 

Tụt nướu

Xương hàm hỗ trợ răng và giống như xương, nó dễ bị suy yếu. Khi hàm bị mất xương, nướu bắt đầu tụt xuống hoặc tách khỏi hàm răng. Những phụ nữ mất xương có thể bắt đầu bị mất răng. Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ bị loãng xương tăng gấp 3 lần bị mất răng. Theo các chuyên gia y tế, chụp X-quang răng có thể giúp xác định nguy cơ xương yếu và bệnh loãng xương.

Khó kéo cửa

Nếu bạn gặp khó khăn khi kéo cửa, đứng dậy có thể  có vấn đề về xương. Nghiên cứu cho thấy một mối tương quan giữa sức mạnh của tay và mật độ của xương cánh tay, xương sống và hông. Những người phụ nữ có những vấn đề xương sẽ thiếu sức mạnh cơ bắp và khả năng cân bằng tốt. Để xây dựng cơ bắp, cải thiện sự cân bằng, chuyển động và phản xạ, bạn nên tập nâng tạ, yoga... Các nghiên cứu cho thấy rằng những người tập Thái cực quyền, một môn võ nghệ thuật Trung Quốc, có thể làm giảm nguy cơ té ngã lên đến 45%.

Nhịp tim bất thường

Nhịp tim khi nghỉ ngơi liên quan đến số lần tim bạn đập mỗi phút. Mặc dù, nhịp tim khi nghỉ ngơi trung bình ở hầu hết mọi người từ 60-100 nhịp mỗi phút, nghiên cứu cho thấy rằng nếu nhịp tim khi nghỉ ngơi lớn hơn 80 nhịp mỗi phút làm tăng nguy cơ gãy xương hông, xương chậu và xương sống. Nhịp tim phản ánh mức độ vận động và nhịp tim ở những người ít vận động khi nghỉ ngơi có xu hướng cao hơn. Việc tăng cường hoạt động như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội rất có lợi cho nhịp tim bởi không gây căng thẳng xương và góp phần vào tăng sức mạnh của xương.

Đau lưng

Đau lưng xảy ra khi các đốt sống bị tổn thương, không duy trì được hình dáng ban đầu và đâm vào các dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống. Cơn đau từ nhẹ cho tới những cơn đau nhức khủng khiếp tại vùng sống lưng. Những cơn đau thậm chí còn tồi tệ hơn khi vận động hoặc ở những khu vực chịu lực như cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.

Liên tục bị chấn thương về xương 

Thông thường, một người bị loãng xương thường gặp nhiều nguy cơ gãy xương ở những bộ phận chịu lực nhiều như đốt sống, hông, cẳng tay. Tình trạng rạn xương cũng có thể xuất hiện  sau những chấn thương hoặc va chạm mạnh.