Dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng cao ở nam giới

ANTD.VN - Hơn 15 triệu nam giới ở Mỹ bị tiểu đường nhưng khoảng một phần tư trong số họ thậm chí không biết, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Tiểu đường nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, tổn thương thận, tổn thương thần kinh, và mất thị lực.
 

Tiểu đường không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nghiêm trọng

Tiểu đường là bệnh thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, được đặc trưng bởi lượng đường tăng trong máu, ảnh hưởng đến chất lượng sống và tăng nguy cơ tổn thương thần kinh tim mạch. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều người thường bỏ qua vì dễ nhầm với các bệnh thông thường khác. Vì vậy, điều quan trọng cần biết những dấu hiệu cảnh báo của bệnh để thăm khám bác sĩ và làm các xét nghiệm cần thiết.

Đi tiểu nhiều

Tăng tiểu là dấu hiệu báo hiệu rằng lượng đường trong máu có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Khi quá nhiều glucose hoặc đường trong máu, thận sẽ cố gắng làm sạch ra ngoài qua nước tiểu. Kết quả là, bạn sẽ phải đi tiểu nhiều hơn bình thường. 

Khát nước

Đi tiểu nhiều khiến bạn bị mất nước. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy khát nước và khô miệng, ngay cả khi bạn uống cùng một lượng nước như mọi khi. Thêm vào đó, vì uống nhiều nước làm bạn đi tiểu nhiều hơn.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một hệ quả tất yếu khi cơ thể bị mất nước. Tiểu tiện nhiều lần kết hợp với việc không bổ sung kịp nước cho cơ thể sẽ khiến bạn bị mệt mỏi nhanh chóng. Không những vậy, tiểu tiện vào ban đêm còn khiến giấc ngủ bị gián đoạn, gây tổn hại tới hệ thống thần kinh về lâu dài. 

Suy giảm thị lực

Là một thấu kính nhỏ ở trung tâm mắt, điểm vàng chủ yếu có nhiệm vụ làm sắc nét hình ảnh khi nhìn. Tuy nhiên, khi lượng đường huyết trong máu tăng cao, dịch từ thành mạch sẽ tràn vào thấu kính này và làm chúng sưng lên. Sự sưng đó có thể thay đổi hình dạng của ống kính, thị lực sẽ bị suy giảm.

Chảy máu chân răng

Do lượng đường cao trong máu đã làm tổn thương các tĩnh mạch, động mạch, điều này gây ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu đến các tế bào giúp làm lành vết thương. Các loại vi khuẩn chữa lành vết thương chậm hơn cũng có thể ảnh hưởng nướu răng làm cho chúng đỏ, sưng lên, và dễ bị chảy máu khi đánh răng. Thông thường, cơ thể bạn chống lại các vi trùng gây nhiễm trùng trong miệng. Tuy nhiên, lượng đường trong cơ thể cao làm giảm các đặc tính chống vi khuẩn tự nhiên của miệng.

Mảng đen ở da

Lượng đường trong máu quá cao có thể gây tổn thương tới các mạch máu dưới da. Hiện tượng này tạo ra những mảng có màu nâu nhạt trên bề mặt da, đặc biệt là ở chân gây ngứa và đau. Các đốm đen cũng xuất hiện vùng da có nhiều nếp gấp như nách, háng và cổ. Lượng đường trong máu tăng sẽ làm các tế bào da tái sản xuất nhanh hơn bình thường. Do chứa nhiều sắc tố, loại tế bào này có khả năng tạo ra những đốm đen trên da, gây ngứa và có mùi khó chịu.

Phải làm gì nếu bạn có dấu hiệu bệnh tiểu đường?

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và khát nước bất thường trong 1-2 ngày thì không nên lo lắng nhưng triệu chứng này xuất hiện vài ngày cùng với dấu hiệu khác thì bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra đường huyết. Nếu lượng đường huyết quá cao, bạn có thể phải dùng thuốc. Tuy nhiên, thay đổi lối sống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện tình trạng tiền tiểu đường và tiểu đường.