Dấu hiệu bệnh cần lưu ý khi xuất hiện hạch sưng, đau

ANTD.VN - Hạch nằm rải rác nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, đóng một vai trò đáng kể trong phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn. Khi hạch sưng, đau là biểu hiện phản ứng của cơ thể, hầu hết là lành tính nhưng đôi khi là trọng bệnh.

Hạch là một tổ chức sản sinh ra các dòng bạch cầu, đồng thời cũng sinh ra dòng kháng thể để chống lại các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể. Khi có tác nhân lạ xâm nhập cơ thể thì hạch phát triển to (sưng, đau), đặc biệt là hạch ở các vị trí gần với tác nhân xâm nhập. Một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm họng cấp, viêm tai giữa cấp), xuất hiện gần vùng tổn thương làm hạch sưng to và gây đau nhưng khi điều trị hết hiện tượng nhiễm khuẩn thì hạch cũng trở về trạng thái bình thường như ban đầu. Với bệnh viêm mạn tính như viêm họng, viêm VA, viêm amidan mạn tính thì hạch vùng cổ cũng sưng to nhưng ít đau hoặc không đau. 

Bởi vậy, hầu hết hạch sưng to tức là cơ thể đang mắc một bệnh nào đó. Có thể điểm qua một số dấu hiệu bệnh trọng như sau:

Ở vùng cổ và vùng trên xương đòn có nhiều loại bệnh kích thích làm cho hạch sưng, nghiêm trọng có thể kể đến bệnh lao hạch với biểu hiện nổi hạch, người bệnh thường sốt về chiều, ăn kém, sút cân nhanh chóng, ra mồ hôi lúc ngủ. 

Khi thấy hạch vùng bẹn sưng to (sưng hạch bạch huyết ở háng), đau có thể do một số bệnh nhiễm khuẩn thuộc bộ phận sinh dục - tiết niệu như bệnh do vi khuẩn họ Chlamydia, bệnh giang mai. Ngoài ra, nếu người bệnh bị tổn thương nhiễm khuẩn (vết xây xước, áp-xe, mụn nhọt...) ở vùng chi dưới, vùng quanh hố chậu thì hạch bẹn cũng sưng to và đau. 

Một số bệnh về máu cũng có hạch to như bệnh bạch cầu cấp. Hạch thường to, mềm, di động xuất hiện nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể mà bình thường vẫn có hạch, kèm theo sốt cao, lách to nhanh, xuất huyết. 

Hạch sưng to có thể nguy hiểm hoặc không, vì vậy khi thấy có hiện tượng bất thường trong cơ thể và kèm theo hạch sưng to, đau (hoặc không) cần phải đi khám bệnh ngay. Khi hạch to, đau đã được bác sĩ khám bệnh và xác định thì nên tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ. Không nên tự mua thuốc để điều trị . Những người hay bị viêm họng, nên vệ sinh họng, miệng hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt để vệ sinh họng, miệng hàng ngày.