Đặt mình vào vị trí người dân, để "cửa công" thực sự thân thiện

ANTD.VN - Chưa đầy 20 giờ sau khi sự việc “hành trình gian nan đi làm giấy khai tử cho bố” tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội - được chị Vũ Thị Hoa đưa lên mạng xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản chỉ đạo xử lý. 

Đặt mình vào vị trí người dân, để "cửa công" thực sự thân thiện ảnh 1

Quận Đống Đa đã tạm đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu

Ngay đầu giờ sáng 26-7, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, đoàn thanh tra công vụ của thành phố do một Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng đã có mặt tại phường để kiểm tra sự việc. 

Cũng chỉ sau 1 ngày, UBND quận Đống Đa đã tạm đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu để “phục vụ hoạt động kiểm tra, xác minh vụ việc công dân, báo chí phản ánh”. Rõ ràng, lãnh đạo thành phố cũng như quận Đống Đa đều xác định, đây là sự việc nghiêm trọng, cần sớm được làm rõ. Chỉ trong vài ngày tới, đúng sai thế nào sẽ được minh định và chắc chắn, những cán bộ liên quan sẽ bị xử lý nghiêm khắc nếu có vi phạm.

Đáng tiếc, không chỉ ở Hà Nội, liên tiếp những vụ việc được công dân, báo chí phản ánh về hành vi, thái độ, ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức với công dân khi tới giao dịch tại “cửa công” đã được báo chí phản ánh khá nhiều thời gian vừa qua. Những cụm từ như “vô cảm”, “hách dịch”, “thờ ơ”, “thiếu thân thiện”… được nhắc đi nhắc lại, làm xấu đi hình ảnh của bộ máy hành chính Nhà nước.

Hà Nội đang thí điểm mô hình chính quyền thân thiện. Thành phố đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức Hà Nội. Năm 2017 cũng được thành phố lựa chọn là “Năm kỷ cương hành chính”. Ấy là chưa kể hệ thống quy định pháp luật dày đặc về cách hành xử, ứng xử, thái độ của cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp, kể cả trong công sở cũng như ngoài xã hội.

Dù vậy, có vẻ như chủ trương rõ ràng này chưa thấm được tới một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở - nơi tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với dân. Với những người này, mệnh lệnh xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp với “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thận thiện” có lẽ chưa thấm và chưa thông!

Việc xử lý ngay tức khắc của lãnh đạo thành phố cũng như cấp quận cho thấy sự quyết liệt trong biến khẩu hiệu thành hành động. Mong rằng, mỗi cán bộ, công chức Hà Nội sẽ trông vào những sự việc rất đáng tiếc kể trên để tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm. Thái độ khiêm tốn, lễ phép, nhiệt tình; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi hay đơn giản chỉ là nở nụ cười khi làm việc với người dân không lẽ lại khó đến vậy? Hãy chọn nụ cười, đừng dại dột để mình vướng vào chế tài xử lý!

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, cán bộ là công bộc của dân, tức là người đầy tớ công vụ. Vì thế, khi phục vụ nhân dân, phải luôn cố gắng nhiều hơn, phải biết đặt vào vị trí của chính người dân để giải quyết công việc như giải quyết cho chính mình mà tận tâm, tận lực hơn. Nhất là với các thủ tục hiếu, hỉ như khai sinh, khai tử, thì người cán bộ cũng phải thấu hiểu được tâm lý, tình cảm của người dân khi đó để có sự mềm dẻo linh hoạt chứ không phải cứng nhắc, dập khuôn.

Còn nhớ đầu năm nay, khi làm việc với quận Hà Đông, Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải cũng từng nói: “Xuống nhiều nơi một cửa chúng ta khang trang, sạch đẹp rồi nhưng ngay ông một cửa hỏi tiếp mỗi người dân mấy phút thì không biết. Việc của anh là làm sao người dân được giải quyết nhanh nhất để đi về chứ không phải em làm cho mát mẻ, nước uống thế này, bác cứ ngồi đây chơi bao lâu tùy thích. Vì vậy, mình mới xây dựng quy tắc ứng xử là không được làm việc riêng trong giờ mà phải tập trung giải quyết công việc cho người dân”.