Đạp ngã đối tượng cướp gây chết người, có phạm tội không?

ANTD.VN - Hành vi đạp ngã đối tượng cướp giật dẫn đến tử vong của anh Nguyễn Trọng T. có phạm tội hay không?

Ngày 17-3, chị Hoàng Thị M. (SN 1990) trên đường đi làm về thì bị một đối tượng đi xe máy áp sát và giật chiếc túi xách đang treo trên xe. Chị Hoàng Thị M. lập tức tri hô “Cướp, cướp…”. Thời điểm ấy, anh Nguyễn Trọng T. (SN 1984) đang đi trên đường, nghe thấy tiếng hô của chị M. liền đuổi theo.

Khi đuổi kịp và ngang bằng với chiếc xe máy của đối tượng cướp túi xách của chị M., anh T. đã dùng chân đạp vào xe máy khiến đối tượng ngã xuống đường. Do không đội mũ bảo hiểm nên đối tượng cướp giật đã ngã đập đầu vào vỉa hè bị chấn thương sọ não và sau đó tử vong trong bệnh viện. Chiếc túi xách sau đó được trả về cho chị M. 

Vấn đề đặt ra là hành vi đạp ngã đối tượng cướp giật dẫn đến tử vong của anh Nguyễn Trọng T. có phạm tội hay không?

Ý kiến bạn đọc

Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người

Hành vi đạp vào xe máy của đối tượng cướp giật tài sản của anh Nguyễn Trọng T. đã khiến cho đối tượng này bị đập đầu vào vỉa hè, chấn thương sọ não sau đó tử vong trong bệnh viện đã phạm vào tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Có thể thấy việc anh Nguyễn Trọng T. đạp vào xe máy của tên cướp thể hiện mong muốn làm cho đối tượng mất khả năng kháng cự để nhằm mục đích là lấy lại chiếc túi xách cho chị Hoàng Thị M. Đây là một hành vi nguy hiểm, có tính chất cố ý và có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Thực tế hậu quả là đối tượng sau khi bị anh T. đạp đã ngã đập đầu vào vỉa hè dẫn đến chấn thương sọ não. Mặc dù cái chết của đối tượng có thể nằm ngoài mong muốn của anh T., tuy nhiên hành vi của anh T. đã đủ cơ sở để cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Hoàng Anh (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Phạm tội vô ý làm chết người

Trong vụ việc này anh Nguyễn Trọng T. đã phạm tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, vô ý làm chết người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Căn cứ theo nội dung vụ việc có thể thấy khi anh Nguyễn Trọng T. đuổi theo và đạp vào xe máy của đối tượng cướp, bản thân anh T. phải nhận thức được rằng hành vi của mình có thể sẽ gây ra hậu quả chết người bởi khi đó cả 2 xe đều đang chạy với tốc độ cao. Tuy nhiên vì quyết tâm muốn lấy lại túi xách cho chị M. nên anh Nguyễn Trọng T. vẫn bất chấp để đạp ngã xe máy của đối tượng. Do vậy, hành vi của anh Nguyễn Trọng T. trong vụ việc này đã đủ cơ sở để cấu thành tội vô ý làm chết người. 

Hà Thị Vân (Phù Yên - Sơn La)

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Việc anh Nguyễn Trọng T. phát hiện ra tên cướp sau đó đuổi theo là một hành động chính nghĩa thể hiện sự dũng cảm của anh T. Trong quá trình anh T đuổi theo tên cướp, đối tượng này rất có thể sẽ có những hành vi chống trả quyết liệt. Sự chống trả này dù là lúc đang đi xe máy trên đường hay dừng lại chắc chắn đều gây ra nguy hiểm đối với anh T.

Do đó hành động dùng chân đạp vào xe máy của đối tượng cướp giật theo tôi là hành động phòng vệ chính đáng của anh Nguyễn Trọng T. Việc làm của anh T. nhằm để ngăn chặn hành vi tấn công của đối tượng cướp giật này. Theo những căn cứ này, trong vụ việc nói trên, anh Nguyễn Trọng T. đã phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 96, Bộ luật Hình sự.

Đoàn Thúy Quỳnh (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc này có thể thấy, hành vi đạp ngã xe đối tượng vừa cướp giật tài sản và đang chạy trốn của anh Nguyễn Trọng T. ở trong điều kiện không thể lựa chọn biện pháp nào khác để ngăn chặn việc trốn chạy của đối tượng này và hành vi đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Để có cơ sở khẳng định anh T. có phạm tội hay không cần đối chiếu dấu hiệu của hành vi nói trên đối với các hành vi trong các điều luật có nội dung liên quan đến hành vi giết người hoặc làm chết người để có thể nhìn nhận rõ hơn vấn đề dưới góc độ pháp lý.

Trước hết, có thể thấy hành vi  của anh T không phải là hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, ý thức của người thực hiện hành vi chỉ muốn ngăn chặn việc trốn chạy của một đối tượng vừa thực hiện hành vi cướp giật tại sản để lấy lại tài sản cho người bị hại. Ở đây không tồn tại ý thức gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân, mà trong ý thức của người thực hiện hành vi chỉ thể hiện hành động có tính nghĩa hiệp, ngăn chặn sự chạy trốn và mong muốn giành lại tài sản bị cướp giật cho người bị hại. Do đó, không đủ dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ luật Hình sự.

Đối với ý kiến cho rằng anh Nguyễn Trọng T. đã phạm tội vô ý làm chết người, có thể thấy việc đạp ngã xe máy xuống đường trong lúc người đó phóng xe với tốc độ nhanh, lại không đội mũ bảo hiểm thể hiện khả năng rất cao có thể dẫn đến chết người. Anh T. ý thức điều này nhưng lại đứng trước hoàn cảnh không thể lựa chọn biện pháp khác.

Như vậy, anh T. ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng buộc phải lựa chọn việc thực hiện hành vi đó nhằm mục đích đấu tranh chống lại hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, không đủ căn cứ để chứng minh anh T. “cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Bộ luật Hình sự nên không thể xác định hành vi của anh T. được thực hiện một cách vô ý. Từ đó, không đủ dấu hiệu cấu thành tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự.

Về việc phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trước hết phải nhận thấy rằng hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân đã hoàn thành, do đó việc đuổi theo đạp ngã xe của nạn nhân trong trường hợp này không mang tính chất “phòng vệ”. Do vậy, không thể xác định đây là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 15, Bộ luật Hình sự, thế nên không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 96, Bộ luật Hình sự. 

Có thể thấy, hậu quả chết người trong trường hợp này là rất lớn, thể hiện tổn thất tính mạng con người, nhưng xét trong bối cảnh cụ thể của vụ việc, chúng tôi nhận thấy rằng hành vi của anh Nguyễn Trọng T. chưa phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm các tội xâm phạm đến tính mạng con người khác được quy định tại Bộ luật Hình sự. Cụ thể: 

Thứ nhất, anh Nguyễn Trọng T. trong trường hợp này không thuộc chủ thể thực hiện nhiệm vụ công theo nghề nghiệp, do công tác cũng không phải trong trường hợp đang cùng với người có nhiệm vụ cùng thực hiện một nhiệm vụ công (Ví dụ: người này tự nguyện cùng với công an đuổi bắt cướp, hoặc được công an đề nghị giúp đỡ việc bắt cướp…). Như vậy, hành vi của anh T. không được coi là hành vi thuộc trường hợp đang thi hành công vụ. Thế nên, không phải là dấu hiệu cấu thành tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 97, Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, tại khoản 1, Điều 95, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tuy nhiên, trường hợp này hành vi cướp giật tài sản của nạn nhân được thực hiện đối với một người phụ nữ qua đường, không phải cướp giật tài sản của người bạn của anh T. hoặc người thân thích của anh này, do đó hành vi này không phải là dấu hiệu cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 95, Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, căn cứ theo nội dung sự việc, hành vi của anh Nguyễn Trọng T. thực hiện trong trường hợp này, rõ ràng biểu hiện về mặt hành vi cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra không đủ dấu hiệu cấu thành các tội danh xâm phạm tính mạng con người được quy định ở các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự bao gồm: “Tội giết con mới đẻ” (Điều 94); “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 99); “Tội bức tử” (Điều 100); “Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” (Điều 101); “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 102).

Với hành vi cụ thể này, đối chiếu với các điều luật liên quan đến các tội danh xâm phạm tính mạng con người được quy định trong Bộ luật Hình sự, không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do đó hành vi này không được coi là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về nghĩa vụ bồi thường, anh Nguyễn Trọng T. có thể phải bồi thường thiệt hại tùy thuộc vào mức độ lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả, mức độ thiệt hại, tổn thất trên thực tế cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Nguyễn Thiều Dương (Công ty Luật Đại Việt)