Đánh học sinh, giáo viên có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

ANTD.VN - Theo đề xuất mới, hành vi xâm phạm thân thể học sinh có thể bị phạt hành chính mức cao nhất 30 triệu đồng. Không ít giáo viên lo lắng, hoang mang khi mức phạt này cao gần chục lần so với lương tháng của người mới vào nghề.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thay thế cho Nghị định 138/NĐ-CP đã ban hành cách đây 5 năm vừa được Bộ GD-ĐT công bố khiến không ít giáo viên lo lắng. Mức phạt hành chính được áp dụng tại dự thảo này đối với cá nhân cao nhất là 30 triệu đồng, với tổ chức mức cao nhất là 80 triệu đồng.

Điều khiến giáo viên bàn luận nhiều nhất là quy định của dự thảo này về hành vi xâm phạm người học sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự) hoặc 20-30 triệu đồng (với hành vi xâm phạm thân thể).

Mức phạt cao gấp cả chục lần lương tháng với hành vi xâm phạm thân thể học sinh khiến nhiều người băn khoăn (ảnh minh họa)

Cô Nguyễn Kim Liên, giáo viên tiểu học quận Thanh Xuân, Hà Nội thắc mắc: “Có không ít trường hợp học sinh nhiều lần không học bài, làm bài. Chúng tôi phải nhắc nhở, thông báo cho phụ huynh nhưng ít hiệu quả, chỉ được một thời gian rồi lại như cũ. Vậy trong quá trình nhắc nhở học sinh, giáo viên phải trách mắng, phê bình trước lớp thì liệu có bị coi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự hay không?”.

Quy định "hành vi xâm phạm thân thể người học" cũng khiến giáo viên lo lắng xem thế nào thì coi là xâm phạm thân thể? Trường hợp như thế nào thì bị phạt khi mức phạt cao gấp cả chục lần tiền lương tháng của giáo viên.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trước đây Nghị định 138/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong giáo dục ban hành năm 2013 đã có quy định về việc này. Nay, dự thảo Nghị định mới chỉ tăng hoặc giảm mức phạt đối với các hành vi cụ thể.

Để thiết kế dự thảo lần này, ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến, đặc biệt các sở, các địa phương đều đề nghị tăng mức phạt để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, để những quy định xử phạt không phản giáo dục, cứng nhắc, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ sẽ tập huấn thật kỹ cho các địa phương. Khi tập huấn sẽ nói rõ ai được phạt, phạt trong trường hợp nào...

“Khi xử phạt cũng phải xem xét đâu là động cơ, mục đích... chứ không phải cứ “đè” ra phạt” – ông Bằng khẳng định.

Thực chất trong 5 năm thực hiện Nghị định 138/NĐ-CP, ông Bằng cho biết, số trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính trong các trường học rất hiếm hoi.