Đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á

ANTD.VN - Nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, thăm dò và khai thác tài nguyên trái đất; đồng thời, thực hiện Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, Hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á đã khai mạc Đại hội lần thứ 15 (GEOSEA XV).

Đại hội đã thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các nước thành viên khối ASEAN và các nước có ngành địa chất, khoáng sản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nga,  Nhật Bản, Đan Mạch, Canada, Trung Quốc tham dự.

Tại hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu: “ Đại hội Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á tổ chức thường kỳ 2 năm một lần, được xem là sự kiện hàng đầu về khoa học địa chất trong khu vực. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 15. Đây là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng, hướng tới phát triển bền vững của các quốc gia”.

Các đại biểu tại buổi khai mạc đại hội địa chất, tài nguyên khoảng sản và năng lượng Đông Nam Á lần thứ 5

Với chủ đề “Khoa học địa chất và Tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững”. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu và khu vực. Với thông điệp này, Đại hội tập trung trao đổi, thảo luận những kết quả, thành tựu mới nhất của khoa học địa chất trong điều tra cơ bản địa chất, tìm kiếm, đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến nguồn tài nguyên của trái đất; dự báo, giảm nhẹ tác động tai biến địa chất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đại hội cũng giới thiệu những cơ sở khoa học, đề xuất việc xây dựng chính sách phù hợp để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đảm bảo phát triển bền vững.

Sự kiện khoa học này đã thu hút được hơn 300 báo cáo tham luận bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của khoa học và tài nguyên địa chất, chế biến nguyên liệu khoáng, môi trường, phòng tránh và giảm thiểu tác động của tai biến tự nhiên... Với gần một nửa trong số đó là các báo cáo được trình bày bởi các nhà khoa học, quản lý và đại diện của các doanh nghiệp đến từ các nước khác nhau trong khối ASEAN và trên thế giới. Điều này đã khẳng định tầm ảnh hưởng cũng như các tác động tích cực của Hội nghị đối với hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất, tài nguyên trái đất và môi trường. Như vậy, có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một hội nghị thành công tốt đẹp và để lại những ấn tượng sâu sắc của nước chủ nhà trong con mắt bạn bè quốc tế.

Phát biểu khai mạc Đại hội, PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có lịch sử nghiên cứu, điều tra địa chất và khoáng sản từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản các tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000 trên toàn diện tích phần đất liền và tỷ lệ 1:50.000 đạt khoảng 73% diện tích.

Hoạt động điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản được bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hàng ngàn mỏ khoáng sản đã được phát hiện và đưa vào thăm dò, khai thác. Hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển được đẩy mạnh từ những năm cuối thế kỷ 20, đã hoàn thành ở tỷ lệ 1:500.000 đới biển nông ven bờ (độ sâu 0-100m nước); đồng thời tỷ lệ 1:250.000, 1:100.000, 1:50.000 đã được hoàn thành ở một số khu vực biển”.

Các nhà lãnh đạo, chuyên gia quốc tế trao đổi thông tin bên lề hội nghị

Mục tiêu của Đại hội lần này là: Khoa học địa chất và Tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên của trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 - 2025.

Đại hội diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2018. Ngoài ra, có 5 tuyến thực địa trước và sau Đại hội gồm: (1) Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà; (2) Đới cắt trượt Sông Hồng - biến chất Hoàng Liên Sơn; (3) Đới Ophyolit Sông Mã - Rift Sông Đà; (4) Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn; (5) Đới biến chất cao và siêu cao Kon Tum.