Đang là sinh viên nhận được giấy khám tuyển nghĩa vụ vẫn phải chấp hành

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Hiện em đang là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội nhưng ở quê có giấy gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu em không về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có bị xử phạt gì không? Trần Văn Tuấn (TP Thái Nguyên)

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và cả sự vinh dự đối với công dân trong độ tuổi, đúng đối tượng (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: Theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự thì công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Tuy nhiên, bạn vẫn phải chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Nếu bạn không có mặt để khám sức khỏe sẽ bị coi là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, thì:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.

Lý do chính đáng được quy định tại Điều 5 Thông tư số 95/2014/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu như sau:

+ Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.

+ Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.

+ Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.

+ Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Các trường hợp trên phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã.

+ Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này. Trường hợp này phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn có lý do chính đáng và xuất trình được các giấy tờ xác nhận thì bạn không bị xử phạt hành chính. Nếu không có lý do chính đáng mà không trở về địa phương khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính.