Dân xóm bãi sông Hồng phớt lờ mùa nước lũ

ANTD.VN - Sau gần 20 năm không có lũ, năm nay nước sông Hồng đột ngột dâng cao. Thế nhưng các hộ dân vốn đã quen với cuộc sống nổi lên trên đênh mặt nước của xóm vạn chài thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) thì lũ hay hạn  cũng chẳng có gì đặc biệt…

Những “căn nhà” trên sông của bà con xóm chài

Nước đến chân vẫn… không nhảy

10h sáng, căn nhà của anh Nguyễn Văn Châu ở xóm chài lặng ngắt như tờ. Kể từ sau trận bão số 2, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông Hồng lúc nào cũng đục ngầu giận dữ. Những tưởng cuộc sống của làng chài này cũng vì thế mà đảo lộn, trái lại dường như với họ thì miếng cơm manh áo thường nhật vẫn là thứ đáng phải quan tâm hơn nguy cơ có vẻ… xa hơn.

Gọi là nhà, nhưng thực ra nơi tá túc của 5 người trong gia đình anh Châu chỉ là mảnh bè được ghép lại từ những thùng phuy loại 100 và 200 lít, lúc nào cũng bồng bềnh trên mặt nước. Phía trên tấm bè ấy được lợp bằng đủ loại vật liệu từ ván gỗ, bạt nilon hay thậm chí cả bìa carton. Đây là cách mà cả 13 hộ dân của xóm chài duy trì làm nơi ăn ở và sinh hoạt kể từ những năm 1980.

Phần lớn các hộ đều là người từ nơi khác đến, chán cảnh phải ăn nhờ ở đậu hay đi thuê nhà, nên họ bảo nhau ra đây làm nhà nổi và hàng ngày lên bờ đi làm đủ thứ việc tự do để duy trì cuộc sống hàng ngày. Anh Châu bảo: “Nếu không hiểu, người ta cứ nghĩ nước lũ lên cao thì các hộ dân sống trên bè sẽ phải chuyển đi nơi khác. Thực ra không phải vì đây là nhánh sông đã bị chặn hai đầu ở thượng lưu và hạ lưu. Không có hoạt động giao thông đường thủy, không có bến thuyền bến đò hay khai thác cát. Vì thế nước lên thì nhà của chúng tôi cũng nổi lên theo. Cuộc sống chẳng có gì thay đổi”.

Chúng tôi quen anh Châu khi anh dẫn đầu các hộ dân của xóm chài đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử HĐND các cấp năm 2016. Anh bảo, thực ra cũng rất nhiều lần chính quyền địa phương xuống xóm chài vận động các hộ về quê định cư, tránh việc tồn tại một xóm chài nhếch nhác ven sông như thế này.

Nói thì dễ, nhưng với nhiều người trong xóm tiếng là có quê thật, nhưng thực tế là ở quê họ cũng chẳng có nhà. Vả lại, về quê thì cũng không còn sinh kế, trong khi đã sống ở Hà Nội nhiều năm, nhiều hộ đã coi việc bán hàng, buôn bán quanh khu chợ đầu mối Long Biên như một nguồn sống hàng ngày. 

“Vẫn biết là cuộc sống lênh đênh trên những chiếc bè này tiềm ẩn nhiều rủi ro và bản thân những hộ dân của xóm chài  đều không ai mong kéo dài cuộc sống này mãi. Nhiều người cũng cố làm ăn, dành dụm rồi tính cách mua một căn nhà nhỏ để “lên bờ”. Nhưng đó là câu chuyện tương lai xa phía trước, còn hiện tại thì tất cả đều chấp nhận cuộc sống theo kiểu… nước lên thì thuyền lên” - anh Châu tâm sự.

Người dưới đất lo người… trên cây

Cứ mỗi lần nhắc đến xóm chài là ông Nguyễn Dương Hải - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá lại thở dài thườn thượt. Ông bảo, có lẽ ở Hà Nội duy nhất có Phúc Xá là có một nhóm dân ngụ cư sống theo kiểu đặc biệt này và rất khó để xử lý. Cứ mỗi lần đến mùa mưa lũ là UBND phường lại lo “sốt vó” để vận động họ lên bờ nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra, tuy nhiên đây là việc không hề dễ dàng. 

Ông Nguyễn Dương Hải cho biết: “Trước những năm 2000 chính quyền đã nhiều lần vận động các hộ dân của xóm chài lên bờ. Nhưng mỗi lần vận động thì họ lại kéo thuyền, bè đi nơi khác. Khi thấy sự việc lắng xuống thì lại quay về neo đậu, chủ yếu ở khu vực thuộc khu dân cư số 1, 2 và 3. Mọi năm, nước xuống rất cạn và chỉ dâng lên một chút từ tháng 5 đến tháng 8, riêng năm nay nước lên to, nhưng khu vực xóm chài neo đậu vẫn là khúc sông kín nên các hộ dân không thể đi ra khỏi lạch nước được”.

Tuy nhiên, điều UBND phường Phúc Xá lo lắng là ngoài sự an toàn cho các hộ dân xóm chài trong mùa mưa lũ, còn là vấn đề ô nhiễm môi trường khi khu vực này vốn rất bẩn và nhiều rác thải.

“Điện, nước sinh hoạt họ phải mua lại của các hộ trên bờ với giá cao. Số nhân khẩu tạm trú của xóm chài do ở không mất tiền nên không chịu lên bờ thuê trọ. Việc duy trì cuộc sống như vậy còn dễ phát sinh tình trạng xây nhà trái phép tại khu vực rìa sông, gây mất ổn định trên địa bàn phường. Mặc dù vậy, UBND phường vẫn tạo mọi điều kiện về bảo hiểm y tế, cho trẻ em đi học hay liên hệ với địa phương, quê quán của từng hộ dân để phối hợp giúp đỡ họ về quê sinh sống. Bên cạnh đó, lực lượng CSKV cũng trực tiếp vận động, tuyên truyền phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC số 2 đảm bảo an toàn cho số nhân khẩu tạm trú tại xóm chài này” - ông Nguyễn Dương Hải nói.