Đàn ông Việt Nam và "thành tích" số 1 Đông Nam Á đáng... hãi hùng

ANTD.VN - Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam, đang ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, đứng thứ 29 trên thế giới. Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là một trong những “cường quốc” về tiêu thụ rượu bia và những con số về tỷ lệ sử dụng rượu bia sẽ còn tăng lên khiến nhiều người phải giật mình.

Việt Nam lọt top 29 nước thế giới về mức độ tiêu thụ rượu bia (Nguồn VTV 24)

Theo các chuyên gia, hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016.

Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Những vụ ngộ độc rượu kinh hoàng

Ngày 10-2-2017 đã xảy ra vụ ngộ độc rượu kinh hoàng ở Lai Châu khiến 9 người tử vong. Theo đó, gia đình ông Phu Vần Lèng (bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến tối cùng ngày, ông Lèng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó nhiều và con dân bản đã đến ăn cơm, uống rượu tại đám tang ông Lèng có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mờ mắt nên được đưa đi cấp cứu.

 

Ngộ độc rượu kinh hoàng tại Lai Châu khiến 9 người tử vong

Các cơ quan chức năng kết luận, vụ ngộ độc tập thể khiến 126 người bị ảnh hưởng, 9 nạn nhân tử vong tại Lai Châu, là do sử dụng rượu có nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần.

Như Dân Trí đã đưa tin, vào khoảng hơn 19h ngày 8-7, anh Vi Văn Dần (SN 1986) và anh Vi Văn Sơn (SN 1985) trú tại bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, cùng nhau uống rượu tại nhà anh Dần.

Trong lúc đang uống thì cả hai người đều có biểu hiện khác thường như: Đau đầu, nôn mửa… nghi bị ngộ độc rượu. Thấy chồng có biểu hiện như vậy vợ anh Dần và hàng xóm lập tức đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, anh Dần đã tử vong trên đường đi. Sau đó anh Sơn được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu cấp cứu nhưng bệnh có biểu hiện nặng hơn nên người nhà tiếp tục chuyển anh Sơn xuống bệnh viện ở Vinh để tiếp tục cứu chữa.

Đàn ông Việt Nam và "thành tích" số 1 Đông Nam Á đáng... hãi hùng ảnh 2 

Sau khi uống rượu ngâm từ lá ngón, anh Vi Văn Sơn phải nhập viện cấp cứu

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã niêm phong bình rượu và lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy nguyên nhân gây ra vụ 2 người ngộ độc, trong đó 1 người tử vong tại tại bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, đây là hợp chất có trong cây lá ngón.

Ngày 3-6-2012, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, các bệnh nhân Đào Văn Út (48 tuổi) và Nguyễn Sơn Hải (37 tuổi, cùng trú TP Biên Hòa) đã tử vong sau khi nhập viện, 2 người khác là Trương Thiện Minh và Lê Tống Nhị Hùng bị nguy kịch do ngộ độc rượu.

Được biết, trưa 2-6, cả 4 người ngồi uống rượu chung. Sau khi về nhà, cả anh Út và anh Hải có biểu hiện bất thường, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong ngay sau đó. Hùng và Minh may mắn thoát chết.

Ngày 3-2-2012, 4 người thân trong một gia đình tụ họp ở khu phố Tân Ba, thị trấn Thái Hòa (huyện Tân Uyên, Bình Dương) để họp mặt đầu năm. Anh Lê Anh Tuấn (31 tuổi) lấy rượu ra mời anh em, tham gia có các anh Châu Anh Trung (41 tuổi), Trần Hữu Đông (43 tuổi) và anh Ngô Hoàng Anh (32 tuổi).

Chiều hôm sau thì lần lượt cả 4 người xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Sau đó, 3 người đã tử vong. Do tửu lượng kém, Hoàng Anh chỉ ngồi nhấm nháp chút đỉnh cho vui nên đã may mắn thoát chết.

Đàn ông Việt Nam uống bia, rượu nhiều nhất thế giới

Theo thông tin trên báo VNN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải thốt lên: “Dù nước ta mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỉ lệ dùng rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia”.

Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình.

Đàn ông Việt Nam và "thành tích" số 1 Đông Nam Á đáng... hãi hùng ảnh 3 

Đàn ông Việt Nam uống rượu bia nhiều nhất thế giới

Nguy hại hơn, trong những bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% vẫn tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.

“Nếu chỉ tăng 1% chi tiêu bình quân cho rượu bia thì sẽ tăng 0,85% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tăng 0,61% số ca bị thương và và 0,37% số ca bị xơ gan”, ông Võ Phương Nam, cán bộ WHO cảnh báo.

Báo động về tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam

Theo thông tin trên báo Nhân dân, năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang rất báo động. “Việt Nam đứng thứ hai thuộc các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới”.

Đàn ông Việt Nam và "thành tích" số 1 Đông Nam Á đáng... hãi hùng ảnh 4 

Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia đang gia tăng

Còn theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005-2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít. Trong khi đó, thế giới tăng rất chậm, chỉ từ 6,1 lên 6,2% giai đoạn 15 năm. “Dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng thực tế, WTO cho biết, Việt Nam sẽ phải chạm mốc 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, bà Hạnh nói.

Theo Bộ Y tế, trung bình nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít cồn/năm. Năm 2015, 80,3% nam giới cho biết có sử dụng rượu bia trong vòng 30 ngày qua. “Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu bia đã tăng 75% sau năm năm, trong đó tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia gia tăng nhanh hơn nhiều so với rượu”, bà Hạnh cảnh báo.

Đặc biệt, các nhà làm luật cho rằng, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau năm năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.

Trước tình trạng tiêu thụ rượu bia tăng chóng mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). “Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai chịu tác động rượu bia rất lớn đến 70%, tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh. Thiệt hại của rượu bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại”.

Tổ chức kêu gọi thực thi các chính sách, phòng chống tác hại của rượu bia

Theo thông tin trên Soha, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).

Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong vòng 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu, Tổ chức HealBrige Canada tại VN, Liên minh vì nếp sống lành mạnh...) gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Các tổ chức khuyến nghị kêu gọi chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước lên ưu tiên hàng đầu trong xây dựng luật….

Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể về tên Luật, theo đó đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

"WHO đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.

Việc thay đổi sang các tên khác như Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật".

Ngoài ra các kiến nghị cũng đề nghị cụ thể là quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính có sẵn của mặt hàng rượu bia và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi, ngoài những quy định hiện nay được đề cập trong dự thảo, cần bổ sung hoặc điều chỉnh.

Cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu, bia

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đưa ra nhiều quy định, trong đó có một số nội dung quan trọng như nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí. Ngoài nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên, thì việc quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.

Đàn ông Việt Nam và "thành tích" số 1 Đông Nam Á đáng... hãi hùng ảnh 5 

Dự thảo quy định cấm quảng cáo rượu bia dưới mọi hình thức

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), bất cập nhất hiện nay là quản lý rượu thủ công. Vì thực tế, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ.

Vì thế, Luật này sẽ siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Theo đó, với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh thì người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại dự thảo Luật này là quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia. Hiện Bộ Y tế có ba phương án, trong đó, phương án 1 chỉ được bán từ 11-14 giờ và 17-22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 2 là bán từ 6-22 giờ hằng ngày; Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ. “Nhiều nước thành công quản lý kinh doanh rượu, bia ở giờ bán. Thái Lan thực hiện chỉ bán rượu, bia vào giờ ăn rất tốt”, TS Nguyễn Huy Quang nói.

Về phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, giả, không bảo đảm an toàn, Bộ Y tế đang đề xuất quy định việc sử dụng chất chỉ thị màu trong cồn công nghiệp (methanol) để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp. Luật cũng quy định về nồng độ cồn trong máu không vượt quá 30mg/100ml hoặc 0,15mg/lít khí thở với người tham gia giao thông khi sử dụng xe mô-tô, xe gắn máy.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để siết chặt quản lý quảng cáo, kinh doanh rượu bia.