Cứu người bị đuối nước bằng cách vác xốc lên, dốc ngược xuống… là sai lầm nghiêm trọng

ANTD.VN - Nhiều người khi cứu nạn nhân bị đuối nước lên bờ, thường áp dụng theo các biện pháp dân gian như vác xốc nạn nhân lên, dốc ngược người xuống, có khi vác nạn nhân lên vai rồi chạy cho ọc nước ra… nhưng đây lại là những sai lầm nghiêm trọng.

Đặt nạn nhân đuối nước nằm lên mặt phẳng cứng, ép tim với nhịp khoảng 100 lần/ phút

Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu hè 2008 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước, phải thở máy trong tình trạng rất nặng, thậm chí có những tuần viện tiếp nhận tới 4 ca nguy kịch.

Đáng chú ý, đa số nạn nhân bị đuối nước trước khi đưa tới viện đã được xử trí cấp cứu ban đầu không đúng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa số người dân khi cứu trẻ bị đuối nước thường xử lý cấp cứu ban đầu bằng các biện pháp lưu truyền trong dân gian như: vác xốc nạn nhân, dốc ngược người nạn nhân, vác lên vai rồi chạy,… Tuy nhiên, đây là những sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng.

“Người dân vẫn nghĩ khi dốc ngược nạn nhân bị đuối nước lên sẽ làm nước ói ra nhưng thực tế lại có thể làm chặn đường thở vào khiến nạn nhân thiếu oxy, gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim. Lý do vì khi nạn nhân bị ngập dưới nước lâu nắp thanh môn ở đường thở sẽ mở ra khiến các dị vật trong nước và nước tràn vào trong đường thở” - bác sĩ Toàn nhấn mạnh.

Vậy xử trí sơ cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân bị đuối nước như thế nào mới đúng. Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn khuyến cáo các bước như sau:

Nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước ra

Bước 1: Đưa nạn nhân từ dưới nước lên bờ. Chú ý không được phép biến mình thành nạn nhân thứ hai, chẳng hạn nếu không biết bơi thì không được nhảy xuống nước để cứu nạn nhân. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Bước 2: Khi nạn nhân đã được đưa lên bờ, đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Gọi hỏi nạn nhân xem còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, gọi người đến hỗ trợ cấp cứu.

Bước 3: Kiểm tra bệnh nhân còn thở hay không bằng cách áp tai vào miệng và quan sát lồng ngực.

Bước 4: Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bước 5: Tiếp tục bắt mạch, nếu nạn nhân tỉnh lại, cho nạn nhân nằm nghiêng để đẩy nước và dị vật còn sót ra ngoài, sau đố chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu. Trường hợp nạn nhân chưa tỉnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp hà hơi, ép tim ngoài lồng ngực trong lúc chờ cán bộ y tế.