Cuộc sống khổ đau của phụ nữ Honduras trước lệnh cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh

ANTD.VN - Một người phụ nữ bị cảnh sát còng tay sau khi sảy thai trong khi một người phụ nữ khác buộc phải sinh đứa con là kết quả của một vụ hiếp dâm. Một bác sĩ có nguy cơ phải ngồi tù khi giúp bệnh nhân phá thai vì quá trình sinh nở có thể đe dọa tính mạng thai phụ… Đó là những gì đang xảy ra ở Honduras, nơi có lệnh cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh. 

Cuộc sống khổ đau của phụ nữ Honduras trước lệnh cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh ảnh 1Những người tuần hành ở Thủ đô Tegucigalpa (Honduras) phản đối lệnh cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh

Phá thai là tội phạm hình sự 

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, cuộc sống khó khăn của phụ nữ và trẻ em gái ở Honduras khi thực thi lệnh cấm phá thai”, nhà nghiên cứu cao cấp Margaret Wurth thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho biết. Lệnh cấm phá thai không ngăn chặn được tình trạng phá thai mà buộc phụ nữ và trẻ em gái phải tìm đến dịch vụ phá thai chui, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của họ. 

Luật pháp hà khắc của Honduras đang dẫn đến sự đau khổ cùng cực với phụ nữ, trẻ em gái và gia đình của họ. “Cấm phá thai buộc phụ nữ phải lựa chọn phá thai bí mật - nơi có thể khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm hoặc sinh con trái với mong muốn”, nhà nghiên cứu Margaret Wurth nói tiếp. 

Honduras là một trong một số các quốc gia ở Mỹ Latinh hình sự hóa việc phá thai bất kể trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi mang thai do bị hãm hiếp hoặc loạn luân hoặc khiến cuộc sống của người phụ nữ gặp nguy hiểm. Phá thai hoặc tạo điều kiện cho một người phá thai là tội phạm hình sự và hình phạt cao nhất là án tù lên đến 6 năm. Dữ liệu y tế công cộng cho thấy, ít nhất 40% trường hợp phụ nữ mang thai ở Honduras là không có kế hoạch hoặc ngoài mong muốn. Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ trong giai đoạn 2011-2012 đưa ra con số đáng báo động, ở quốc gia này, 1/4 phụ nữ bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục.

50.000 - 80.000 ca phá thai mỗi năm 

Các chuyên gia đã gặp gỡ nhiều phụ nữ để khảo sát, lấy dữ liệu cho công trình nghiên cứu mang tên “Lệnh cấm phá thai và lựa chọn sống hay chết của phụ nữ Honduras” nói rằng, nhiều phụ nữ rơi vào tuyệt vọng khi mang thai ngoài ý muốn. “Tôi muốn chết” - một người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nói. “Tôi muốn tự hủy hoại mình” - một người phụ nữ khác lên tiếng. 

Một số phụ nữ tham gia khảo sát chia sẻ, khi mang thai ngoài ý muốn họ đã nghĩ ngay đến việc phải bỏ thai bằng mọi giá. Số liệu thống kê cho thấy, vào năm 2017, 820 bé gái trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã sinh con ở Honduras, nhiều cô gái trong số này mang thai do bị hãm hiếp. Ước tính, hơn 30.000 cô gái vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi sinh con ở Honduras mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ không có thống kê chính xác về số lượng phụ nữ và trẻ em gái phá thai. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 50.000 đến 80.000 ca phá thai mỗi năm. Trong năm 2017, hơn 8.600 phụ nữ ở Honduras đã phải nhập viện vì bị biến chứng do phá thai hoặc sảy thai. Theo Văn phòng Tổng Chưởng lý Honduras, trong 3 năm qua, không phụ nữ nào bị truy tố về tội danh phá thai. Tuy nhiên, 7 người đã bị cáo buộc cung cấp các dịch vụ phá thai.

Hai trong số này đã bị giam giữ phục vụ điều tra. Gần đây nhất là trường hợp của Lorena (không phải tên thật của nhân vật), 22 tuổi. Theo Lorena, cô bị sảy thai mà không biết mình có thai. Các bác sĩ điều trị cho cô đã báo cáo với cảnh sát khi họ nghi ngờ cô đã phá thai. Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Lorena có thể phải ngồi tù tới 6 năm nếu bị kết tội. Luật sư khuyên Lorena nên nhận tội để được giảm án xuống còn 2 hoặc 3 năm.