"Cuộc chiến" Facebook – Minds đã có kết quả rõ ràng tại Việt Nam…

ANTD.VN - Trong vài ngày qua, cái tên “Mạng xã hội Minds” bỗng được nhiều cư dân mạng tại Việt Nam nhắc đến. Một số người tiên phong dùng thử, và chia sẻ tài khoản Minds của mình lên… Facebook. Mặc dù đã có những câu hỏi đặt ra về khả năng Minds thay thế Facebook, nhưng những động thái “chia sẻ Minds lên Facebook” đó nói riêng, và thói quen cố hữu “ngại tìm tòi công nghệ” của người Việt nói chung, đã cho thấy kết quả rất rõ ràng trong cuộc chiến mạng xã hội tại Việt Nam.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Facebook hay Google có thể hiển thị quảng cáo chuẩn với “gu” bản thân đến vậy chưa?

Chẳng hạn như sáng hôm trước, bạn vừa tìm kiếm thông tin về máy xay sinh tố, thì ngay trưa hôm đó, Facebook hoặc Google tự động hiển thị những quảng cáo về các loại máy xay sinh tố ở thị trường Việt Nam.

Đó chắc chắn không phải là một sự “tình cờ ngẫu nhiên”! Thuật toán nắm bắt sự quan tâm của người dùng internet để hiển thị quảng cáo phù hợp đã được chính các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Facebook nói tới không ít.

Không ít người đã hy vọng Minds có thể "lật đổ" vị trí thống trị của Facebook tại thị trường Việt Nam

Nhưng…

Những gì người dùng internet thực hiện trên không gian mạng không chỉ là thói quen tìm kiếm. Đó còn là những thông tin liên lạc, những đoạn chat cá nhân, những bài đăng riêng tư, những địa chỉ hay lui tới, những liên kết giữa tài khoản mạng xã hội với email, số điện thoại di động… Các công ty công nghệ có “làm gì” với kho dữ liệu riêng tư này hay không?

Câu trả lời, buồn thay, có lẽ là “Có!”, sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook bị bóc trần hành vi để rò rỉ dữ liệu người dùng để khai thác vào mục đích chính trị.

Trong bối cảnh mạng xã hội quen thuộc và có đông đảo người dùng tại Việt Nam vướng vào bê bối như vậy, trong những ngày qua, cái tên “Mạng xã hội Minds” đã được nhắc tới khá nhiều.

Minds là gì? Hiểu một cách nôm na, đó cũng là mạng xã hội tựa như Facebook – nơi mọi người có thể chia sẻ thông tin, video, hình ảnh… với những tính năng được ca ngợi là “hoàn hảo hơn Facebook”. Nhưng điểm đặc trưng nhất của Mind chính là cam kết của những người tạo ra mạng xã hội này: Họ cam kết tôn trọng cao nhất tính minh bạch, tự do và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Để thể hiện cam kết này, Minds dùng “hoàn toàn mã nguồn mở để ai cũng có thể kiểm tra thuật toán sử dụng”, và mã hóa mọi dữ liệu của người dùng để “chính người tạo ra Minds cũng không thể can thiệp được”.

Một điều thú vị khác là mạng xã hội này còn hứa hẹn mang tới “tiền ảo” (có thể quy ra giá trị thật) cho người dùng, một khi những nội dung chia sẻ được đánh giá là hữu ích, có sự lan tỏa…

Sự thay thế cho Facebook – trong hoàn cảnh hiện nay – trở nên hấp dẫn đáng kể! Ngoài những yếu tố về bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư của người dùng như đã đề cập (dù thực tế đó chỉ là tuyên bố “miệng”, việc kiểm chứng cần có thời gian và chuyên môn sâu), mạng xã hội mới hứa hẹn tạo ra cơ hội cho nhiều người. Bởi khi Facebook trở nên chật chội, những group/fanpage lớn đã thành hình và phát triển ổn định, những tài khoản Facebook “ăn khách” đã được định danh, thì một sự thay thế hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho những “người đi sau”.

Điều khó khăn nhất của một mạng xã hội khi khai phá thị trường Việt Nam là... làm sao có thể gây dựng được cộng đồng đông đảo?

Vậy nhưng, một khi đã vào Minds, đăng ký tài khoản và đối mặt với một trang… trắng trơn, chúng ta mới được kéo trở lại thực tế rất phũ phàng trước mắt: Mạng xã hội chỉ thật sự hấp dẫn khi có nhiều người dùng, càng nhiều người xung quanh sử dụng thì nó càng thú vị, và… ngược lại!

Hình ảnh trang tài khoản Minds trắng trơn gợi nhớ cho chúng ta về thời Yahoo! 360 trong quá khứ, và câu chuyện của blog Yahoo hẳn chưa bao giờ là cũ. Khi đó, Yahoo! 360 dù “chi chít lỗi” nhưng vẫn được đông đảo người dùng internet tại Việt Nam ưa chuộng, và khi nó đã hình thành được một cộng đồng, thì những sự thay thế như Yahoo! Plus, Yahoo! Mash trở nên… vô nghĩa!

Cho tới khi Yahoo! 360 chính thức đóng cửa, người dùng internet Việt Nam mới nặng nề “chuyển nhà” sang Facebook. Nếu có thể đặt ra câu hỏi vào thời điểm đó, rằng “Yahoo! 360 hay Facebook thú vị hơn?”, chắc chắn câu trả lời chọn Yahoo! 360 sẽ chiếm áp đảo! (và đương nhiên, nó không còn phù hợp ở thời điểm hiện nay).

Thực tế đó bộc lộ một đặc trưng khá rõ ràng của người dùng Việt Nam: Ngại tìm hiểu về công nghệ, ngại thích nghi với cái mới trong công nghệ, ngại gây dựng mọi thứ từ đầu khi dùng mạng xã hội, trừ khi… bị ép buộc (như khi mạng xã hội quen thuộc đóng cửa, giống trường hợp Yahoo! 360).

Và chính thứ tâm lý đặc trưng này đã góp phần “bóp chết” Google+ - mạng xã hội được Google đầu tư đáng kể, nhưng đã không thể tiếm ngôi Facebook, dù người dùng Việt Nam từng manh nha khám phá Google+, và nhanh chóng bỏ quên “mảnh đất chết” này, vì mọi sinh hoạt online vẫn tập trung ở Facebook.

Ngay cả Twitter – mạng xã hội “tiểu blog” vốn rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, vì sự nhanh chóng, súc tích – cũng chẳng có đất sống tại Việt Nam.

Với những thực tế và đặc trưng tâm lý như vậy, có thể thấy tương lai của Minds sẽ chẳng hề sáng sủa tại thị trường Việt Nam. Đơn giản bởi Facebook đã làm được điều mà Yahoo! 360 từng làm được: Quy tụ đông đảo người dùng.

Một khi quá mới mẻ, thiếu cộng đồng người dùng, thì dù có ưu việt tới cỡ nào, mạng xã hội mới cũng không bao giờ lôi kéo được những cư dân mạng vốn rất ngại mầy mò về công nghệ ở Việt Nam!