Cực kỳ đáng lo với 40.000 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

ANTD.VN - Một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ thời gian qua được xác định là do người lao động nói riêng và người dân nói chung quá chủ quan với “hỏa hoạn”. 

Hàn xì bất cẩn là một trong những nguyên nhân gây cháy, nổ 

Trước những thực trạng về hạ tầng cơ sở, ý thức kém của người dân về an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, nhất là những nơi xen lẫn các đơn vị kinh doanh, xưởng sản xuất… cho thấy “bài toán” an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn là nỗi lo rất lớn.

Thảm họa cháy, nổ thường trực

Vụ cháy xưởng nhựa rộng hàng trăm mét vuông ở xóm Ân, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội của ông Nguyễn Văn Cương trưa 26-6 vừa qua đã khiến toàn bộ kết cấu mái, khung của xưởng nhựa bị phá hủy. Tài sản như chậu cây cảnh quý hiếm trị giá hàng trăm triệu đồng ở khuôn viên xưởng nhựa, nay chỉ còn lại phần gốc đen thui và cành khô trơ trọi. 

Thời điểm cháy, có đến 8 xe cứu hỏa cùng hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC sử dụng vòi rồng liên tục phun nước, nhưng cũng phải hàng giờ sau mới khống chế được ngọn lửa. Có thể nói, đối với làng nghề Triều Khúc, việc hỏa hoạn xảy ra chỉ là thời điểm sớm hay muộn. Bởi lẽ, với cơ sở hạ tầng tạm bợ, nguồn chất liệu dễ cháy như vải vóc, nilon, nhựa… chất đống cao ngất thì có thể xảy cháy bất cứ lúc nào, khi mà người dân sinh hoạt ngay cạnh những nguyên liệu dễ cháy này. 

Ngỡ rằng sau vụ “hỏa hoạn” gây thiệt hại lớn cho hàng xóm vừa qua, ý thức về phòng chống cháy, nổ của trên 100 cơ sở sản xuất trong xã Tân Triều sẽ thay đổi, mọi người sẽ cảnh giác hơn với hỏa hoạn. Song có đi thực tế tại nơi này mới thấy hết sự chủ quan, bất cẩn trước vấn đề cháy, nổ là chuyện thường ngày của người dân làng nghề. 

Khi được hỏi, nhiều người lao động ở đây đều chủ quan: “Ôi dào, cháy làm sao được, và cháy đã có lính cứu hỏa”... Một cách nghĩ đáng trách, một quan niệm sai hoàn toàn. Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về PC&CC, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội cho biết, hỏa hoạn không loại trừ một nguyên liệu gì, nếu như đã phát sinh ngọn lửa.

Một điều nữa là với hạ tầng giao thông hiện nay, việc di chuyển phương tiện từ đơn vị PCCC đóng quân đến nơi xảy cháy nhanh nhất cũng phải mất từ 10-15 phút và đó là khi đường thông thoáng. Trong khi đó, thời gian cháy trong vòng 15 phút cũng đã đủ gây thiệt hại khủng khiếp và có thể thiêu rụi hàng trăm cơ sở, nhà xưởng rộng đến hàng trăm nghìn mét vuông. Chính vì vậy, để tránh thiệt hại do cháy lớn, cháy lan, nhiệm vụ của mỗi người dân đều phải biết sử dụng bình cứu hỏa và PCCC là nhiệm vụ của toàn dân.

Trở lại thực tế tại làng nghề xã Tân Triều, ngay cả những yêu cầu tối thiểu về trang bị bình chữa cháy xách tay không phải ai cũng có. Thậm chí, có những cơ sở nhiều người không phân biệt nổi bình chữa cháy bằng khí CO2, bình bột, hay thao tác sử dụng các loại bình chữa cháy thì... lúng túng. Trong khi đó nhà xưởng tiềm ẩn đầy nguy cơ hỏa hoạn như dưới ổ điện là ngổn ngang hàng trăm bao tải nén chặt phế liệu, bao tải chứa hạt nhựa… 

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 7 - Thanh Trì cho biết: “Đáng lo nhất là tại khu vực làng nghề ở xã Tân Triều, khi nhà dân xen lẫn nhà xưởng và người dân sinh hoạt, làm việc ngay trong nhà xưởng. Số lượng cơ sở sản xuất lớn, nằm lẫn trong khu dân cư, đường giao thông nhỏ hẹp. Khi xảy ra cháy, nổ thì xe chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường. Xã Tân Triều cũng không có nguồn nước phục vụ chữa cháy, các trụ nước đều không có nước. Đây là khu vực mất an toàn phòng chống cháy nổ và khi xảy ra hỏa hoạn thì khả năng gây hậu quả nghiêm trọng rất lớn”.

Hiểm họa rình rập

Dù khác với làng nghề Tân Triều, khu vực đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội dân cư đông đúc cũng nằm trong nhóm bị “hỏa hoạn” đe dọa, rình rập. Kéo dài trên 2km từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Cầu Giấy, mật độ các xưởng cơ khí lớn, đồ gỗ, sơn, gò hàn… dày đặc, xen kẽ nhịp sống hối hả của các nhà dân và đường phố. Những cơ sở này chiếm dụng một phần vỉa hè làm nơi đặt các loại máy cắt kim loại và chứa vật liệu sắt thép hoặc đồ gỗ, bên trong nhà thì chứa các vật liệu dễ cháy. 

Thực tế từ vụ cháy lớn tại cửa hàng số 913 Đê La Thành vừa qua đã cho thấy tính chất phức tạp khi xảy ra hỏa hoạn tại khu vực này. Do có nhiều nguyên vật liệu dễ bắt lửa như gỗ nên hỏa hoạn bùng phát nhanh, bên cạnh đó tuyến đường đê La Thành lại nhỏ, hẹp và đông người gây trở ngại cho công tác chữa cháy, nên dù sau đó lửa được dập tắt, song vẫn thiêu rụi toàn bộ tầng 2 cùng tầng tum của căn nhà số 913, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hộ dân bên cạnh.

Qua điều tra của lực lượng Cảnh sát PCCC, lao động tại các nhà xưởng ở khu vực này hầu như không được trang bị bảo hộ lao động, hoặc có cũng không sử dụng. Đặc biệt, nhiều thợ hàn xì không có chứng chỉ, làm nghề theo kiểu “học mót”. Ý thức kém, cộng với những thiết bị dễ gây hỏa hoạn, khiến người dân khu vực này thường trực nỗi ám ảnh về nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Người đứng đầu Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội bày tỏ lo lắng: “Xã Tân Triều hay tuyến đường đê La Thành chỉ là phần nhỏ trong tổng số 4 vạn cơ sở ở Hà Nội có khả năng bị “hỏa hoạn” hỏi thăm”. Trong báo cáo của Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội cho thấy tính chất ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường của hỏa hoạn khi 6 tháng đầu năm toàn thành phố xảy ra 447 vụ cháy, trong đó xảy cháy kho xưởng 70 vụ, cơ sở kinh doanh 30 vụ còn lại là nhà dân.

Hậu quả nghiêm trọng nhất là 3 vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra vào tháng 7 vừa qua tại các khu dân cư Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm; phố Vọng, quận Hai Bà Trưng và tại xưởng làm bánh kẹo tại huyện Hoài Đức… đã khiến 16 người thương vong. 

ý thức của người dân, việc quản lý thiếu đồng bộ, chặt chẽ của cơ quan chức năng đều là tác nhân làm cho diễn biến cháy, nổ ngày càng phức tạp. Hơn nữa, đối với các cơ sở, làng nghề từ việc chủ quan trong sinh hoạt cho thấy, “bài toán” an toàn PCCC tại các khu dân cư, nhất là khu dân cư xen lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh, đang trở nên hóc búa và khó tìm ra lời giải.