Công tác phòng cháy là nhiệm vụ số 1

ANTD.VN - Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp giữa nhân dân và các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, tổ dân phố trên từng địa bàn thành phố trong công tác PCCC và CNCH, UBND - TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC - CATP thực hiện nghiêm túc công tác tăng cường kiểm tra, rà soát kết hợp với tuyên tuyền, xử lý, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nếu để xảy ra các vi phạm về an toàn PCCC, đặt công tác phòng cháy là nhiệm vụ số 1.

Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội phải xác định công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Với vai trò đứng đầu cơ sở, vừa là đội ngũ tuyên truyền đến người dân thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH, ban - ngành, chính quyền sở tại cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để phát huy sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC và CNCH”, đồng thời thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu giúp việc cho lãnh đạo cấp trên trong việc thực hiện chính sách quản lý Nhà nước trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH; lực lượng Cảnh sát PCCC chủ động tuyên truyền đa dạng dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền ngày cuối tuần và vào các buổi tối về công tác PCCC…

Lực lượng Cảnh sát PCCC tuyên truyền, tập huấn người dân chữa cháy hiệu quả

Nhằm tạo sự gắn kết giữa đảm bảo ANTT, TTATXH, lực lượng Cảnh sát PCCC - CATP phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Xây dựng lực lượng PCCC chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng mọi nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình mới.

Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, Đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, tập trung vào những địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao như chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, nơi tập trung đông người... Các cụm, điểm làng nghề; các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất, các khu, cụm công nghiệp, chế xuất; các kho, xưởng sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ xen kẽ trong khu dân cư.

Gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, CNCH.

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân kỹ năng chữa cháy 

Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, chỉ rõ nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ; các biện pháp, kỹ năng, thoát nạn, chống ngạt khói và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ý thức tự trang bị hệ thống PCCC trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy tự động, thang dây, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân.

Công tác PCCC, CNCH phải lấy phòng ngừa là chính, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân và trong công tác PCCC, CNCH.