Công khai điểm thi THPT Quốc gia có vi phạm quyền riêng tư hay không?

ANTD.VN - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đăng tải công khai điểm thi THPT Quốc gia 2017 theo từng tỉnh, tạo điều kiện tra cứu dễ dàng, thuận lợi, có một luồng quan điểm dư luận cho rằng điều này vi phạm quyền riêng tư của các thí sinh. Tuy nhiên, không ít người nhận thấy quan điểm này rất… lạ lùng.

Khổ cũng kêu, mà sướng cũng… kêu

Theo thời gian, các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào Đại học, Cao đẳng ở nước ta được cải cách theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và công bằng hơn, thể hiện qua việc “gộp” 2 kỳ thi này vào làm 1, và sử dụng đề chung của Bộ GD&ĐT.

Cùng với sự cải cách đó, các quy trình chấm thi và công bố điểm thi cũng được cải tiến, để giúp các phụ huynh và thí sinh dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc tra cứu kết quả.

Bác Nguyễn Văn Hưng (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “Trước đây, khi con tôi thi đại học xong, cả nhà đều có chung tâm trạng thấp thỏm, lo âu, muốn biết kết quả càng sớm càng tốt. Nhưng khi đó, mạng internet chưa phổ biến, tôi phải đến nhờ ‘dịch vụ xem điểm thi’ của mấy cậu sinh viên. Các cậu ý lấy số báo danh xong gõ lên máy tính, trả kết quả và thu 30.000 đồng/lần. Vừa mất công chầu chực, vừa mất tiền, thế mà hiện nay mọi thứ được công khai thuận tiện như thế, sao lại bảo là… vi phạm quyền riêng tư?”

Kiểu xem điểm thi qua "thông báo dán bảng" đã trở nên lỗi thời, so với hình thức công bố thuận tiện hiện nay

Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, anh Ngô Thắng (phố Trương Định, Hà Nội) cho rằng, nếu “giả sử” việc công khai điểm thi nói trên là vi phạm quyền riêng tư, thì Bộ GD&ĐT sẽ phải xử lý phức tạp hơn để đảm bảo chỉ thí sinh mới có quyền truy cập vào xem điểm thi của mình.

“Giả sử phải cấp ‘mật khẩu’ riêng để chỉ thí sinh và gia đình mới tra cứu được điểm thi của mình, thì như thế, Bộ GD&ĐT phải làm thêm một lớp bảo mật mới. Xét trên quy mô thi hiện nay, và điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, thì đó là điều không tưởng. Gộp 2 kỳ thi vào cho tiết kiệm, như ‘dư luận’ từng kêu gọi, thì giờ lại sinh ra những khoản phí mới kỳ lạ như vậy sao?”, anh Thắng đặt vấn đề.

Gay gắt hơn, anh Nguyễn Mạnh Thái (phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) cho rằng, quan điểm coi việc công khai điểm thi là “vi phạm quyền riêng tư”, thực chất là kéo dài thứ tư duy “tốt khoe xấu che” có từ lâu trong nhiều người Việt.

Anh Thái bày tỏ: “Sĩ diện không phải là điều xấu, nhưng sĩ diện thái quá thì… xấu thật. Ngày xưa, cứ mỗi khi có điểm thi và điểm xét tuyển, những gia đình có con bị trượt luôn nói rằng ‘cháu bị thiếu đúng nửa điểm’. Cháu nào cũng chỉ thiếu đúng nửa điểm thôi! Họ phải nói vậy vì sĩ diện. Nhưng thời nay là thời nào rồi? Mình cho rằng, khi các bạn học sinh bước qua tuổi 18, đã chấp nhận tham gia vào kỳ thi ‘máu lửa’ trong cuộc đời rồi, thì cũng nên tập làm quen với áp lực, với sự thất bại đi. Điểm thấp thì xấu hổ ư? Còn nhiều thứ khác đáng xấu hổ hơn nhiều. Nếu không thẳng thắn mà đối đầu, thừa nhận, cứ giữ tư duy ‘tốt khoe xấu che’ bấy lâu, thì sẽ không thể phát triển được”.

Chưa có cơ sở kết luận “vi phạm riêng tư”

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật TNHH Hừng Đông) cho hay, trên quan điểm cá nhân, anh không đồng ý với việc công khai điểm thi của thí sinh như hiện nay.

Tuy nhiên, luật sư Toại thừa nhận, cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về “bí mật đời tư” là gì, phạm vi của “bí mật đời tư” gồm những nội dung gì, mà chỉ có một số quy định về vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013, và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bước qua tuổi học sinh, các bạn trẻ cần phải học cách đối đầu với áp lực và... sự thất bại

Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Trong khi đó, Điều 38 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Như vậy, quan điểm “công khai điểm thi của thí sinh là vi phạm quyền riêng tư” chỉ có thể dừng ở mức đặt vấn đề, bên cạnh luồng quan điểm trái chiều đã nêu ở trên, còn chiểu theo luật hiện hành thì chưa có cơ sở để kết luận.