Công khai danh tính người mua dâm chưa chắc đã chống được mại dâm

ANTĐ - Thật ra vấn đề công khai danh tính người mua dâm không phải bây giờ mới được đặt ra mà đã được bàn đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có người nhất quyết cho rằng, muốn chống nạn bán dâm thì phải xử kẻ mua dâm bằng việc “loa loa” cho bàn dân thiên hạ biết để mà sợ, thông báo về cơ quan đơn vị, thậm chí còn có đề xuất thông báo lên cả loa truyền thanh phường,  nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này rất khó khả thi.
Công khai danh tính người mua dâm chưa chắc đã chống được mại dâm ảnh 1

(Ảnh: Internet)

Công khai cho… sợ

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp quanh việc rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để tổng hợp trình Chính phủ. Trong đó, Bộ 

LĐ-TB-XH đề xuất nghiên cứu tăng mức phạt tiền người mua dâm, đồng thời thông báo về cơ quan, chính quyền địa phương, nơi cư trú của họ như là một biện pháp xử lý nhằm nâng cao ý thức pháp luật của đối tượng này.

Lý giải về đề xuất nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng theo các quy định xử lý vi phạm hành chính, hành vi mua - bán dâm có mức phạt thấp, chưa đủ răn đe. Ngoài ra, các quy định liên quan hiện nay cũng không đề cập chuyện công khai danh tính người mua dâm, bán dâm nói chung. Chỉ riêng với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi mua dâm, bán dâm, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm quy định ngoài việc bị xử lý còn thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý họ để giáo dục, xử lý kỷ luật (Điều 27).

Trước đó, tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, UBND TP Hà Nội cũng đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh này bằng Luật Phòng chống mại dâm; đồng thời tăng mức xử phạt hành chính, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.

Thật ra, hiện nay ở nước ta vấn đề mại dâm luôn có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên thì cho rằng nên công nhận mại dâm như một nghề để dễ bề quản lý, vì mại dâm không thể cấm được, đó là nhu cầu của xã hội từ xưa đến nay. Trong khi đó một bên thì cho rằng cần coi đây là hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm những đối tượng mua, bán dâm, công khai danh tính để tăng tính răn đe. 

Cần tính toán kỹ

Những người ủng hộ việc công khai danh tính người mua dâm nêu lý lẽ rằng chúng ta muốn đấu tranh chống mại dâm, chống tệ nạn xã hội mà lại không công khai người vi phạm thì sẽ không có tính răn đe. Việc công khai có thể làm người mua dâm bị mất đi nhiều thứ như danh dự, gia đình, sự nghiệp… nhưng cần phải hiểu rằng chính họ đã tự tay đạp đổ những thứ đó để họ ý thức hơn hành vi của mình. Đồng thời qua việc này sẽ là bài học khiến những người khác nhìn vào mà không vi phạm, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là không khả thi. Theo ông Đặng Đức San, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, nếu muốn bêu tên người mua dâm, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu thật nghiêm túc các tác động về kinh tế - xã hội, đạo đức, truyền thống và tính hết những hệ lụy mà nó có thể gây ra. Theo ông Đặng Đức San, hiện nay xã hội đã nhìn nhận vấn đề mua - bán dâm khác trước, không còn khắt khe nhiều.

“Trước đây, khi bị phát hiện, gái bán dâm bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm nhưng nay thì chỉ xử lý hành chính, phạt tiền. Rõ ràng, nhìn nhận của chúng ta đã có thay đổi. Vì vậy, việc công khai danh tính người mua dâm cũng phải hết sức bình tĩnh để nhìn nhận”.

Về khía cạnh pháp luật, hiện Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 cũng như Bộ luật Hình sự hiện tại không coi mua dâm và bán dâm là tội phạm. Họ chỉ là người có lỗi do vi phạm quy định cấm mua bán dâm của pháp luật, nên chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Do đó, người mua dâm và bán dâm không bị mất quyền công dân.

Có nghĩa là, họ được bảo hộ tất cả các quyền mà một công dân bình thường có được, họ có quyền không bị xâm phạm bí mật đời tư theo các chế định khác nhau của pháp luật, trong đó cao nhất là Hiến pháp. Vì vậy theo các chuyên gia luật thì việc công khai danh tính người mua dâm là không khả thi, muốn thực hiện chúng ta phải sửa cả Bộ luật Hình sự.

ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Người mua dâm là cán bộ thì phải phạt nặng 
Có ý kiến lo ngại nếu đưa người bán dâm tập trung vào một khu thì hóa ra là thừa nhận có “khu đèn đỏ”, tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng ta không thừa nhận thì hoạt động này vẫn tồn tại, có cung thì sẽ có cầu. Nó không chỉ là hiện tượng xã hội mà còn là tệ nạn xã hội nên dứt khoát phải quản lý.

Còn về xử phạt, theo tôi phải xử phạt mạnh hơn cả 3 đối tượng, từ người bán dâm, người tổ chức mua bán dâm đến người mua dâm. Đặc biệt với người mua dâm là cán bộ thì càng phải xử phạt nặng hơn nữa, chẳng hạn có thể thông báo về cơ quan đơn vị công tác của họ.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Chưa nên công khai danh tính 
Ở thời điểm hiện nay chưa nên công khai danh tính người mua dâm mà vấn đề quan trọng cần làm vẫn là phải tăng cường quản lý các đối tượng bán dâm và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này. Lý do bởi công khai danh tính người mua dâm sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khó lường trước được, không chỉ là vấn đề liên quan đến hạnh phúc gia đình mà còn là tâm lý, dư luận xã hội…

Chắc chắn không người phụ nữ nào muốn chồng mình có hành động mua dâm nhưng nếu không may chuyện đó xảy ra thì không phải ai cũng đồng ý hay hài lòng với việc chồng mình bị công khai danh tính. Về lâu dài khi tâm lý xã hội ở nước ta có thay đổi thì sẽ cân nhắc điều chỉnh sau.

Bà Nguyễn Thị Phương (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, Bộ LĐ-TB&XH): Nêu tên người mua dâm là không cần thiết
Theo quy định mới về việc xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ năm 2013, chúng ta đã không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Rõ ràng pháp luật đã có sự nhìn nhận khác đi về vấn đề mua - bán dâm, không coi đây là những hành vi vi phạm pháp luật và cũng không nêu tên người bán dâm thì không có lý gì lại nêu tên người mua dâm.

Nhiều người quan niệm rằng đưa tên người mua dâm để làm gương cho những người khác sợ, chừa hành vi này nhưng theo tôi là không nhất thiết. Vì vấn đề mua dâm rất nhạy cảm, không phải tất cả những người mua dâm đều là những người nhiều tiền, ăn chơi trác táng mà có những người có nhu cầu thật sự, chẳng hạn những người không lập gia đình… Chúng ta không thể phân biệt được đâu là người ăn chơi trác táng, đâu là người có nhu cầu chính đáng, vì vậy việc xử phạt nặng và nêu tên liệu có công bằng? 

Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Công ty Luật BROSS & Partners): Về góc độ pháp lý là không nên
Đầu tiên theo tôi việc công khai danh tính người mua dâm không phải là hình thức xử phạt mà chỉ là biện pháp bổ sung; nếu vậy thì chúng ta phải tính đến hiệu quả của biện pháp đó. Một câu hỏi đặt ra là khi công bố danh tính người mua dâm thì tình trạng mua bán dâm có hạn chế đi không? Việc công bố danh tính một cách rộng rãi này gắn liền với nhân thân của người vi phạm, về mặt thực tế là không có hiệu quả.

Trong đó quyền nhân thân là quyền được pháp luật tôn trọng, về nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm pháp luật là không bao giờ được làm xấu đi hình ảnh, nhân phẩm, danh dự của người vi phạm, kể cả người đó có phạm tội giết người thì người ta vẫn là con người, trong khi đó mua dâm chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Về góc độ pháp lý là không nên bởi biện pháp bổ sung công khai danh tính người mua dâm sẽ “đánh” vào nhân phẩm, danh dự của người vi phạm là chưa phù hợp với pháp luật dân sự. 

Anh Cấn Văn Ba (Đại La- Hà Nội): Hãy để cho họ có cơ hội quay đầu lại
Thực tế, có rất nhiều người mua dâm do một khoảnh khắc nông nổi, hay phút chán chường nào đó, hoặc do nhu cầu sinh lý tức thời họ đã trở thành người có lỗi, người “không chung thủy”. Song qua giai đoạn đó, họ lại trở về với cuộc sống êm ấm của gia đình. Nếu công khai danh tính người mua dâm, rất có thể sẽ là việc gián tiếp làm tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu như người vợ (hoặc người chồng) không thể tha thứ.

Những người mua dâm kia, dù đã ân hận, dù đã nhận ra sai lầm của mình, nhưng họ không có cơ hội để quay đầu lại. Hoặc nếu như, gia đình họ có chấp nhận cho người đó quay trở lại thì suốt cả đời, họ sẽ sống trong mặc cảm, ám ảnh, thậm chí bị các thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn bè coi thường.

Như thế cũng coi như họ phải sống trong cuộc sống dằn vặt, tội lỗi, không hạnh phúc. Điều này, rất có thể khiến những người đã “một lần trót dại nhúng chàm” trở nên chán chường và tiếp tục “nhúng cả hai chân vào chàm”. Như thế thì nêu tên người mua dâm đương nhiên không mang lại ý nghĩa gì cả.