Con tuổi "ẩm ương" yêu qua… internet: Bố mẹ có nên ngăn cản bằng bạo lực?

ANTD.VN - Sự việc nữ sinh 14 tuổi “bỏ nhà đi theo tiếng gọi con tim từ… internet” ở TP. Hải Phòng vừa qua tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại trong việc quản lý và giáo dục các bạn trẻ ở độ tuổi mới lớn. Để có góc nhìn phù hợp và chuyên sâu, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi cụ thể với chị Phí Mai Chi – Chuyên gia về Quyền Trẻ em.

“Yêu sớm” có đáng lo ngại?

Trong tâm lý phổ biến của các bậc phụ huynh, việc những “đứa trẻ” yêu sớm bị cho là rất… nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập và thậm chí tiềm ẩn không ít rủi ro về sức khỏe, tâm sinh lý.

Tuy nhiên, chị Phí Mai Chi - Chuyên gia về Quyền Trẻ em, phụ trách dự án “Cùng phụ huynh thay đổi” – cho rằng, đó là những lo lắng chưa thực sự đúng đắn.

“Thứ nhất là khái niệm ‘yêu sớm’. Yêu là sự rung động tự nhiên của con người nên không có khái niệm sớm hay muộn. Hãy cùng con đón nhận, tôn trọng những cảm xúc rung động đầu đời của con với bạn khác giới. Tôi cho rằng phụ huynh nên nói với con trước về điều này như một sự khẳng định mình là ‘đồng minh’ của con.

Thường nếu không bị cấm đoán thì trẻ thật sự coi đó là cách học hỏi rất tự nhiên, không giấu giếm. Từ đó, cha mẹ có cơ hội hướng dẫn con cách thu hút sự chú ý ở bạn khác giới, cách phân biệt giữa tình bạn có rung động đầu đời với tình yêu nam nữ, với tình yêu vợ chồng… Đó là những ngưỡng khác nhau mà trẻ rất cần cha mẹ đồng hành để học hỏi”, chị Chi bày tỏ.

Những hình ảnh không hiếm gặp hiện nay khiến không ít phụ huynh lo ngại

Bên cạnh đó, vị chuyên gia trên cũng chỉ rõ sai lầm khi gắn “yêu sớm” với… “có thai”.

“Trong các khóa học về giáo dục tính dục, khi tôi hỏi các cha mẹ rằng, nếu con họ yêu mà không có nguy cơ có thai thì cha mẹ có đồng ý không? Và đa số cha mẹ đồng ý nếu loại bỏ yếu tố có thai. Điều này nói lên rằng cha mẹ đã có nỗi lo vô cớ với việc ‘yêu’ của con. Cha mẹ cần cởi mở, hướng dẫn con cách kết bạn cặp đôi, giúp con xây dựng hình ảnh và sự tự tôn về giá trị bản thân, cũng như chủ động hướng dẫn về tình dục và các biện pháp tránh thai, thì nguy cơ có thai càng giảm thiểu.

Trẻ học được cách kiềm chế cảm xúc với bạn khác giới thông qua học hỏi cha mẹ từ những việc ứng xử hằng ngày, như ăn mặc thế nào, nói chuyện ra sao, hẹn hò ở không gian nào, thời điểm nào, tặng nhau cái gì, quan tâm nhau ra sao…”, chị Phí Mai Chi chia sẻ.

Bí quyết… ai cũng biết: Hãy chia sẻ chân thành với con!

Theo chuyên gia Phí Mai Chi, bản thân chị đã gặp khá nhiều trường hợp phụ huynh nhờ tư vấn về việc con cái họ “yêu sớm”.

Trong đó, có trường hợp một bạn trẻ nhờ tư vấn việc em gái bạn này có bạn trai mà giấu cha mẹ. Nhân vật cho biết, cha mẹ em là người nghiêm khắc và rất khó chấp nhận việc yêu khi còn đang đi học. Vì vậy, bạn trẻ bị giằng xé bởi việc bảo vệ em ở cả hai góc độ.

“Đâu là bảo vệ em gái, việc nói với bố mẹ hay không nói với bố mẹ? Áp lực lớn hơn với một cô gái tuổi teen khi em gái có thai ở tuổi 16. Đó là một gánh nặng đối với cả hai chị em mà không có cha mẹ đồng hành. Rất tiếc rằng vụ việc này đã đi quá xa và để lại hậu quả, các em không ở Hà Nội nên tôi khó có khả năng trợ giúp trực tiếp.

Sau khi nghe sự việc kỹ càng, tôi đã khuyên em nên tìm một người tin cậy là họ hàng hoặc thầy cô giáo để nhờ trợ giúp. Lúc đó, dì em là người được lựa chọn để tháo gỡ và hỗ trợ giúp các em giải quyết xung đột với cha mẹ. Sự việc khá căng thẳng bởi mọi người đều phải tập trung giải quyết hậu quả, các cảm xúc đã bị đẩy quá giới hạn phải chịu đựng của cả cha mẹ và các em. Việc chữa lành vết thương sẽ dai dẳng và cần nhiều thời gian”, chị Chi nhớ lại.

Chuyên gia về Quyền trẻ em Phí Mai Chi

Để đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con tới tuổi “ẩm ương”, vị chuyên gia trên cho rằng, không có giải pháp nào được gọi là “đột phá” với phụ huynh. Bởi việc chăm sóc con, yêu con là bản năng của cha mẹ. Họ yêu con “theo cách của họ” và họ luôn làm điều họ cho là đúng để bảo vệ con, trong đó có cả "cho roi vọt".

Chuyên gia Phí Mai Chi bày tỏ: “Chỉ có giải pháp ‘mưa dầm thấm lâu’, ‘bắt đầu từ sớm’. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn là quá trình học hỏi và tương hỗ lẫn nhau của cả cha mẹ và con. Cha mẹ cần hiểu, các ‘xung đột thế hệ’ giữa cha mẹ và con luôn xảy ra ở mọi thế hệ và với mọi gia đình, kể cả cha mẹ tâm lý và thấu hiểu con nhất. Cha mẹ cần hiểu xã hội mà con lớn lên khác với xã hội mà cha mẹ đã từng lớn”.

Những xung đột trong gia đình ở mức độ nào đó là cần thiết để con cái học hỏi cha mẹ và ngược lại. Tâm sinh lý trẻ tuổi teen là vừa phụ thuộc vừa muốn bứt phá để trở thành người độc lập, đây là quá trình tất yếu để trẻ trưởng thành. Để chủ động hơn và hạn chế tối đa những xung đột khi con bước vào tuổi teen, cha mẹ cần duy trì thói quen trò chuyện với trẻ, tôn trọng các quyết định của trẻ, cho trẻ mắc sai lầm.

Sự gay gắt, mắng mỏ của cha mẹ càng khiến tâm lý "nổi loạn" của trẻ mạnh hơn

“Cá nhân mình chưa thấy ca nào gọi là ‘khó’ khi bố mẹ bắt đầu giáo dục con từ sớm. Trong đó, cần ý thức việc giáo dục giới và tính dục của trẻ từ nhỏ và duy trì việc trò chuyện với con. Vấn đề chỉ trở thành ‘ca khó’ khi nó thật sự đã có vấn đề.  Các xung đột tiềm ẩn có từ trước đó mà không liên quan đến việc ‘yêu’ của trẻ, như việc học hành, ăn mặc, đi chơi, dọn dẹp nhà cửa… Yêu chỉ là cảm xúc mạnh khiến trẻ bứt phá khỏi không gian của cha mẹ.

Vậy nên khi có xung đột thì cha mẹ và cả các con nên tìm đến người thứ ba, có uy tín để giải quyết, hoặc các nhà tư vấn chuyên môn về tâm lý. Cha mẹ và các con cũng có thể gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được nhận tư vấn miễn phí cho cả con và chính mình. Một bên thứ ba khách quan để hàn gắn xung đột là điều cần thiết trong trường hợp này”, chuyên gia Phí Mai Chi đưa ra lời khuyên thiết thực.