Còn tình trạng thanh tra nhiều, xử lý ít trong an toàn thực phẩm

ANTD.VN - Bình quân mỗi năm, các lực lượng chức năng kiểm tra khoảng 600.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, song chỉ có khoảng 20% số cơ sở có vi phạm bị xử lý.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm” tổ chức ngày 29-8. Tại đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế thừa nhận, tình trạng mất ATTP vẫn rất đáng lo ngại.

Còn tình trạng thanh tra nhiều, xử lý ít trong an toàn thực phẩm ảnh 1Mỗi năm lực lượng chức năng tiến hành trên 600.000 lượt thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm

Phát hiện hàng chục nghìn cơ sở vi phạm 

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 8 tháng đầu năm nay, thành phố đã thành lập 805 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, đã thanh tra, kiểm tra 63.693 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát hiện 10.073 cơ sở có dấu hiệu vi phạm; xử phạt 8.807 cơ sở với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Dù vậy, do đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... nên gây nhiều khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính. 

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội dẫn chứng, qua kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố 8 tháng đầu năm 2017, còn 14% cơ sở chưa đạt yêu cầu. Việc xử phạt các đơn vị vi phạm bước đầu đã thực hiện ở các xã, phường nhưng còn khó khăn do nhiều viên chức xã, phường thiếu kiến thức, kinh nghiệm thanh tra... 

Không riêng Hà Nội, tình trạng thanh tra nhiều nhưng xử lý ít cũng là thực trạng chung hiện nay. Cụ thể, 5 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng trên cả nước đã kiểm tra hơn 3,35 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 700.000 cơ sở vi phạm, song mới xử lý hơn 136.000 cơ sở (chiếm 20%). Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế phân tích, bình quân 1 năm, các lực lượng chức năng kiểm tra hơn 600.000 cơ sở, trung bình 1 năm 1 cơ sở được kiểm tra hơn 1 lần, điều đó cho thấy đã thanh tra, kiểm tra rất nhiều. “Xã, phường kiểm tra nhiều nhất, chiếm 70 - 80% tổng số lượt thanh tra, kiểm tra nhưng việc xử phạt rất ít” - ông Nguyễn Hùng Long nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, trước hết, cần cải thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này để dễ vận dụng, không bị chồng chéo. Cùng đó, cần tăng cường nhân lực, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra mới góp phần nâng cao chất lượng.

Mắt thường khó biết thực phẩm an toàn

 Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long chia sẻ, bản thân ông lo lắng và băn khoăn vì còn có hiện tượng thực phẩm không bảo đảm ATTP tràn ra thị trường; ý thức và trình độ của người sản xuất thực phẩm còn hạn chế; còn hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng... Dù vậy, ông Long cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang trước các thông tin về ATTP mà cần bình tĩnh để kiểm chứng bởi ngày càng có nhiều thông tin không chính xác, thiếu tin cậy về ATTP, nhất là thông tin trên mạng xã hội. “Nhiều thông tin về mất ATTP được đưa lên mạng cho vui, câu like; thậm chí, có những thông tin còn vô lý, thực tế khó xảy ra nhưng nhiều người vẫn tin, gây hoang mang xã hội” - ông Long chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, muốn phòng ngừa được nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm đòi hỏi cả hệ thống phải cùng vào cuộc, phải kết hợp nhiều biện pháp quản lý chứ không chỉ thanh tra, kiểm tra. “Nếu ra chợ nhìn bằng mắt thường thì không thể biết được trong thực phẩm đó chứa chất gì, có an toàn hay không. Do đó, quản lý thực phẩm phải từ khâu trồng trọt, chăn nuôi để ngăn ngừa chất độc hại, chất cấm được đưa vào thực phẩm. Những khâu đó đều có vai trò của người sản xuất, kinh doanh, quản lý. Còn về phía người tiêu dùng, chỉ nên lựa chọn thực phẩm đã được cơ quan quản lý chứng nhận an toàn hoặc của những cơ sở uy tín, có niềm tin với người bán hàng” - Phó Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh. 

Về việc trên mạng đang lan truyền một số biện pháp để giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu trên hoa quả, rau, như ngâm vào nước gạo, pha dấm… ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, thuốc bảo vệ thực vật có loại tác động tiếp xúc, có loại tác động thấm sâu, có loại tác động nội hấp, lưu dẫn nên không thể loại trừ hoàn toàn dư lượng trong trái cây khi đã sử dụng hóa chất. Các biện pháp rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước ôzon… chỉ có thể làm giảm bớt phần nhỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.