Vụ cô gái va chạm với ô tô làm bạn ngồi sau thiệt mạng tại TP.HCM:

Còn nhiều tình tiết cần thận trọng xem xét

ANTD.VN - Điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, va chạm với ô tô khiến người bạn ngồi sau tử vong, Thạch Thị Bé Trúc (23 tuổi, ở Trà Vinh) đang đối mặt với tội danh hình sự. Vụ việc này hiện đang gây nhiều tranh cãi…

Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải có bằng lái theo quy định

Nguyên nhân tai nạn được cho là Trúc điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ôtô đang đi trên đường chính”. Trúc bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.

Còn lái xe ô tô tên Hoài có lỗi là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái. Do vụ việc có nhiều tình tiết mới phát sinh (Trúc khai lái xe ôtô hôm xảy ra tai nạn là người khác, chiếc xe chạy với tốc độ rất cao và không bật đèn…) nên TAND huyện Củ Chi đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Điều khiển phương tiện không giấy phép là vi phạm

Liên quan đến sự việc này, theo luật sư Hoàng Thị Khánh Linh - VPLS Nguyễn Chiến, về trách nhiệm pháp lý của Thạch Thị Bé Trúc, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định là một trong những hành vi bị cấm. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 202 - BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn… thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh - VPLS Nguyễn Chiến

Có thể truy cứu TNHS nếu đủ dấu hiệu cấu thành

Cũng theo luật sư Hoàng Thị Khánh Linh, căn cứ vào thông tin trên báo chí, thì về mặt khách quan, Thạch Thị Bé Trúc đã thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định khiến một người tử vong. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả thể hiện ở chỗ: Hậu quả đáng tiếc xảy ra là do hành vi thiếu ý thức của Trúc, cố tình điều khiển xe chở người khác, mặc dù đang trong tình trạng không có giấy phép lái xe. Dù là do va chạm hay tự ngã thì hậu quả trên xảy ra cũng có nguyên nhân là việc không làm chủ được tay lái của Trúc. Do đó, hành vi của Trúc có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người.

Như vậy, Trúc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên nếu hành vi của Trúc thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu sau:

Về mặt khách thể, Trúc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả một người tử vong. Hành vi này đã xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ là tính mạng của con người và trật tự an toàn xã hội.

Về mặt chủ thể, Trúc không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Còn về mặt chủ quan, mặc dù không có giấy phép lái xe nhưng Trúc vẫn cố ý điều khiển xe máy chở người khác. Nghĩa là Trúc thấy trước hành vi không có giấy phép lái xe của mình có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn điều khiển xe máy đi trên đường, song ý chí chủ quan của Trúc lại cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra nên Trúc vẫn thực hiện hành vi. Như vậy, Trúc có lỗi vô ý vì quá tự tin đối với cái chết của Ngọc.

Tuy vậy, để đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng cần thận trọng xem xét từng tình tiết liên quan đến vụ án, trong đó lưu ý đến hoàn cảnh hiện tại của Thạch Thị Bé  Trúc do đang phải nuôi con nhỏ.

Cũng theo luật sư Khánh Linh, về trách nhiệm của ông Hoài, sau khi trả hồ sơ bổ sung, căn cứ vào kết luận giám định về tốc độ ôtô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai người làm chứng, tùy thuộc tình tiết cụ thể của hành vi, ông Hoài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu lái xe Hoài điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép theo quy định của Luật Giao thông đường bộ mà gây tai nạn, khiến người ngồi sau xe Trúc tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 202 - BLHS. Trong trường hợp đó cả Hoài và Trúc có thể phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình người đã mất, tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tòa án.