Con người cổ giả

ANTĐ - Đã ngoại 80 rồi mà ông lại không có được cái vóc dáng, vẻ đẹp hào hoa tài tử như ca sĩ Ngọc Bảo. Co ro cúm rúm, thân hình ông chỉ còn là những lóng xương khô chắp lại. Thịt mỡ tiêu hao cả, chân tay ông chỉ còn một lớp da bọc, nhiều chỗ như đầu gối, mắt cá chân còn hóa sừng. Xấu máu, người ta bảo thế, tóc ông rụng từ năm ông mới bốn mươi tuổi, nên đầu ông giờ nhẵn như quả dừa. 

Vẻ cổ giả của ông càng lồ lộ vì cặp mắt đỏ ké và đôi tai to, dài, chảy xệ như tai Phật. Đôi tai vậy mà chẳng giúp ông được mấy. Ông nghe khó khăn, câu được, câu chăng. Vậy nên đã có lúc xảy ra chuyện ông nói gà bà nói vịt, gây chuyện hiểu lầm và buồn cười. Chẳng hạn, một hôm ông ốm, nằm ở giường, bà bảo ông: Nằm dịch vào để bà lấy chỗ đặt bát cháo ông ăn; ông lại đáp: Tôi không có hào nào. Khiến bà phì cười. Ối ông ơi là ông. Bây giờ ai người ta tiêu tiền hào nữa, hả ông già lẩm cẩm? 

Ông già rồi, ông lẫn thật rồi. Ông thành người cổ xưa rồi. Cũng có lẽ ông chỉ chăm chúi vào đọc và viết những cuốn sách nói về những ngày xa xưa. Chỉ quan tâm đến những tri thức, tín điều cổ xưa cũ, về văn học, về văn hóa, lịch sử thời cổ đại. Về chữ Hán, chữ Nôm. Về thuật phong thủy của người phương Đông xưa. Về đạo đức luân lý, về cách ứng xử của người Việt xưa. Về chữ Nhân, chữ Ái, chữ Đức, chữ Hiếu. Hồi trẻ ông là ông giáo dạy những bộ môn này ở đại học. Ông lặn lội trong khu rừng cổ đại, say mê và có lẽ vì thế ông cũng hóa thân thành người xưa, chẳng còn mối liên hệ nào với thực tại hôm nay nữa. Các sinh viên học ông gọi ông là con khủng long còn sót lại từ thời hồng hoang.

Ông đâu có là người của ngày hôm nay. Ông rất ít khi xem ti vi. Thảng hoặc ông chỉ xem mấy vở chèo cổ. Ông cũng chẳng nghe tin tức thế giới và trong nước. Ông không đi xe ô tô. Vì ông đã về hưu rồi, thành người thừa rồi, ai người ta mời mọc mà đưa với  đón nữa. Ông cũng không biết đến xe máy, từ hồi năm mươi tuổi, ông đã chẳng biết thế nào là xe ga với xe số rồi. Mà xe đạp ông cũng không đi từ cách đây hai chục năm. Ông chỉ đi bộ và ít lâu nay có cây gậy làm bạn đường chống theo.

Dưới mắt lớp người trẻ tuổi, ông trở thành con người cổ quái rồi!

Năm nay xuân qua, hè tới. Hôm ấy nghe tiếng ve kêu buổi sáng, lòng bỗng phấn chấn khác thường, ông liền đi bộ một quãng dài gần một cây số từ nhà tới tận công viên Thống Nhất để bắt đầu tham gia luyện tập thể dục dưỡng sinh. Ông đâu có ngờ, ngày đầu tiên có ý định nọ, ông lại gặp tai nạn. Một cháu nữ học sinh ở Lào Cai về Hà Nội học thi đại học, đi xe đạp ngược chiều, bị Công an thổi còi gọi, luống cuống thế nào, đâm ngay vào ông.

Ông ngã ngửa dưới đất và được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Ông bị gãy một bên ống đồng và hôn mê ba hôm liền, tới hôm thứ tư mới mở mắt, tỉnh lại.

Cháu nữ sinh gây tai nạn suốt những ngày đó túc trực bên ông, thấy ông tỉnh, liền mếu máo vì vừa lo sợ vừa thương ông.

- Cháu ở tỉnh xa về học thi đại học  à?

- Vâng, thưa ông, sao ông biết ạ?

- Ông nhìn cháu ông biết. Gia đình cháu thế nào?

- Thưa ông. Bố cháu là thợ máy xúc ở Mỏ Apatít Lao Cai. Mẹ cháu là thợ sửa đường. Cả hai đã về hưu. Sau cháu còn có ba em nữa đang đi học.

Ông lim dim mắt rồi mấp máy môi:

- Thôi được rồi. Giờ cháu tiếp tục đi học thi đi!

- Ông ơi! Cháu biết lỗi của cháu rồi,  ông...

Cháu nữ sinh ôm tay ông, run rẩy. Ông thều thào: 

 - Nín đi, cháu!  

-  Ông ơi, cháu đã điện lên Lào Cai để bố mẹ cháu về...

Ông lắc lắc cái đầu hói trụi, rồi cố nghển lên, mở to cặp mắt đỏ ké. Giờ, hình như ông mới nhìn rõ cháu nữ sinh. Một gương mặt thiếu nữ thùy mị, xinh xắn và nhút nhát:

- Cháu tên là Hạnh, có phải không? Ông thấy tên cháu ở cái cặp sách mà.  Hạnh à, cháu có nghe ai nói về vận số chưa? Chưa à. Thế thì để ông kể cho cháu nghe nhé!

- Dạ!

- Cháu có biết con chuồn chuồn không?

- Dạ, cháu có biết ạ! 

Ông gật đầu, tiếp:

- Đấy, cái con chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm ấy mà. Chính nó một lần làm ông gãy chân đấy. Chuyện là thế này. Hôm ấy, ông đang đọc báo ở trong nhà thì nghe thấy thằng cháu Tiến của ông nó gọi: “Ông ơi, bắt cho cháu con chuồn chuồn”. Lật đật chạy ra sân, ông nhìn thấy ngay một con chuồn chuồn ớt đậu trên sợi giây căng ngang qua góc sân nhà. Chà, con chuồn chuồn, khắp nơi bê tông hóa hết rồi, bây giờ mới thấy mày, mày ở đâu lạc về đây thế? Con chuồn chuồn ớt đẹp cái đẹp tiên thiên đang trong giấc ngủ im lìm! Nhưng mà trông thế thôi, chứ nhóp được nó không phải là dễ đâu! Vì loài này có đôi mắt kép. Đôi mắt có thể nhìn được cả phía sau đấy. Ông đã già đời kinh nghiệm bắt chuồn chuồn kim ở bãi cỏ, bắt chuồn chuồn chúa bằng nhựa mít ở bờ ao làng quê, ông biết vậy. Thành ra hai tay bê cái ghế đẩu, hai chân ông rón rén như chân mèo, đi từ hiên nhà ra góc sân, ngực ông cũng nghèn nghẹn hồi hộp còn hơn cả thằng cháu lò dò đi theo.   Hạnh à! Cháu có nghe rõ lời ông nói không?

- Dạ, có ạ. 

- Hừ! Cái con vật này tinh quái lắm! Được rồi, cho mày bay! Ông đã có kinh nghiệm rồi. Phải kiên nhẫn, phải biết chờ đợi. Cái giống này giỏi đánh lừa người lắm. Nó bay tót lên nhưng quẩn quanh rồi sẽ đậu lại chỗ cũ cho mà xem. Quả nhiên, đảo quanh một vòng sân, con chuồn chuồn ớt đã lại như chiếc máy bay hạ cánh nhẹ nhàng xuống đúng cái sân bay là nơi nó đã đậu lần trước. Lần này khẽ khàng đặt bàn chân lên mặt chiếc ghế đẩu, ông đưa bàn tay với ngón cái cùng ngón chỏ nhum nhúm như hai mũi kìm, từ từ tiến đến cái đuôi nhọn của con vật. “Hoan hô ông!” Thằng cháu ông reo vang đúng lúc hai ngón tay ông chập lại nhóp trúng cái đuôi con chuồn chuồn. Ông cười hà hà, nhưng mới chỉ được một nhịp thôi, bỗng thấy người nghiêng chao, mắt hoa hoa, ngã huỵch xuống đất. Chiếc ghế đẩu ọp ẹp giúp ông lập công chiều thằng cháu nội đã gẫy một bên chân. Ông ngã nghiêng, hông đập xuống đất, một ống chân rạn xương, đau nhói.

Mưng mưng hai con mắt, tới đây thì cháu nữ sinh bỗng níu tay ông, thút thít:

- Ông ơi! Ông đừng kể nữa, cháu thương ông lắm! Cháu đã gọi điện lên Lào Cai để bố mẹ cháu về...

- Hạnh! Cháu nghe ông nói hết đã nào! 

- Cháu hiểu ông rồi.

- Cháu chưa hiểu gì đâu. Cháu có biết là vì sao ông bị gẫy chân không? Ấy đấy! Ông sinh năm Mão, cái lúc ông trèo lên ghế đẩu để bắt con chuồn chuồn là giờ Dậu, tháng Tý, ngày Ngọ; nghĩa là ông bị nạn là do tứ hành xung, cháu à. Tứ hành xung là độc lắm, cháu à.

Nhìn gương mặt thương cảm của cháu nữ sinh, ông tiếp:

- Còn lần gẫy chân này là do từ đâu cháu có biết không? Tất nhiên, ông vẫn tin là nhân thắng thiên, nhưng cũng tùy lúc cháu à. Thành ra năm nay ông có sao La Hầu chiếu mệnh,  đã thế dập vào tháng này, tử vi ông lại  rặt sao xấu, tức các hung tinh, khắc tinh. 

Không thể đừng được nữa, cháu nữ sinh ràn rụa nước mắt, khóc òa:

- Ông ơi, cháu...

Còn ông thì đã chống tay ngồi dậy, dịu dàng:

- Kìa nín đi, cháu. Lỗi không phải chỉ là tại cháu. Cái số ông là vậy. Ông biết tự gánh gánh nặng của mình. Ông không bắt đền cháu đâu. Cháu thì đang đi học. Bố mẹ cháu còn phải nuôi các em cháu. Còn con người ông nó cổ giả, cũ kỹ thế đấy, cháu à.

úp mặt vào hai bàn tay, cháu nữ sinh òa khóc và nghẹn ngào:

- Ông ơi, ông đâu có phải con người cổ giả cũ kỹ. Lòng nhân ái bao dung của ông, tình thương yêu con trẻ của ông là những giá trị vĩnh cửu vững bền mãi mãi. Ông cho cháu được quỳ lạy ông. Ông ơi, suốt đời cháu sẽ nhớ ơn ông. Suốt đời cháu sẽ noi gương ông, cháu sẽ thương yêu mọi người, cháu sẽ sống với lòng bao dung nhân ái, biết tự mang gánh nặng của chính mình, ông à.