Có tài mà không biết lúc dùng

ANTD.VN - Ngày xưa ở thành phố Varanasi thuộc Ấn Độ có một thầy giáo cực kỳ nổi tiếng về tài năng đức độ, vậy nên môn đệ theo học ông lên tới vài trăm người, toàn là những người trẻ tuổi thông minh tài giỏi.

Để việc học hành khổ luyện được đúng giờ, các môn đệ nuôi một con gà trống, hàng ngày căn cứ vào tiếng gáy của nó mà thức dậy. Không may một hôm con gà trống lăn quay ra chết, các môn đệ đột nhiên như mất phương hướng, bàn nhau kiểu gì cũng phải nuôi con khác.

Một ngày nọ một môn đệ đi vào rừng nhặt củi, đột nhiên nghe tiếng gà gáy. Anh ta vui mừng khôn xiết, bèn theo hướng tiếng gáy mà tìm đến. Trông thấy một con gà rừng to khỏe, anh ta lập tức tìm cách bắt mang về học viện nhốt vào một chiếc lồng. Ai ngờ con gà trống từ nhỏ lớn lên trong rừng, lại không được dạy bảo, thế nên có lúc nửa đêm cũng cất lên tiếng gáy, không có giờ giấc gì cố định.

Các môn đệ trong học viện đã quen nghe thấy tiếng gà thì dậy, nên nhiều hôm đang nửa đêm mà tưởng trời sáng, cũng vẫn dậy đốt đuốc học bài, đến sáng ra thì mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, không sao tập tành gì được nữa. Có nhiều hôm giữa trưa đang học mà con gà cũng gáy liên hồi khiến họ không sao tập trung được vào bài vở. Liên tục như vậy trong một thời gian dài, không chịu nổi, mấy người môn đệ bèn bàn với nhau giết quách con gà. 

Khi biết chuyện, thầy giáo bèn gọi tất cả các môn đệ lại, hỏi: “Các con rút ra được bài học gì sau việc ấy?”. Một môn đệ đáp: “Đã không được cha mẹ dạy dỗ, lại cũng không có thầy hướng đạo, nên không biết lý lẽ gì, con gà ấy đúng là chết vì không có giáo dục”. Thầy giáo gật gù: “Ở mỗi thời khắc khác nhau, con người ta cũng có những vai trò khác nhau. Chỉ có những ai biết mình biết người, biết phối hợp với tập thể xung quanh mới có thể phát huy được khả năng của mình. Nếu không thì sẽ không khác gì con gà trống ấy, dù có tiếng gáy mà người ta cần đến, nhưng lại không sống nổi”.