Có nhiều trường hợp đương nhiên được xóa án tích mà không cần thủ tục

ANTD.VN - Hỏi: Tôi từng bị kết án 15 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” và đã chấp hành xong hình phạt vào năm 2010. Hiện, tôi đang đi xin việc làm và công an phường cho biết tôi chưa được xóa án tích, đồng thời bảo tôi phải làm thủ tục xóa án tích. Tôi không biết phải làm như thế nào? Xin luật sư hướng dẫn giúp tôi? Hoàng Công Nguyên (Nam Định) 

Việc xin cấp lý lịch tư pháp hiện rất nhanh gọn và đơn giản

Trả lời: 

Điều 64 - Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về các trường hợp đương nhiên được xóa án tích gồm: Người được miễn hình phạt và người bị kết án không phải về các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc về tội phạm chống phá hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong các thời hạn: 1 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 3 năm trong trường hợp hình phạt là tù đến 3 năm; 5 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 3 năm đến 15 năm và 7 năm trong trường hợp hình phạt là tù trên 15 năm.

Tương tự, khoản 1, Điều 67 - BLHS cũng quy định thời hạn để xóa án tích căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Và khoản 3 điều này quy định việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung cũng như các quyết định khác của bản án... Như vậy, ngoài việc chấp hành hình phạt chính, người bị kết án còn phải chủ động tự giác chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung và các quyết định khác trong bản án. Đây vừa là nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng là quyền lợi, bởi nếu họ không chấp hành thì sẽ không được xem xét để xóa án tích bất luận vì lý do gì.

Còn theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 (Điều 70) thì đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này. 

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Tiếp đến là người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn: 1 năm đối với trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 2 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 5 năm; 3 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm; 5 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 điều này. Luật cũng quy định cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này.

Bạn phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” bị kết án 15 tháng tù và đã chấp hành xong hình phạt vào năm 2010, đây là hình phạt chính, nếu các hình phạt bổ sung khác (nếu có) đã chấp hành xong thì bạn đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích mà không phải làm thủ tục xóa án tích.

Hiện nay, theo chúng tôi được biết khi đi xin việc làm, nhiều doanh nghiệp, cơ quan yêu cầu xác nhận nhân thân tiền án, tiền sự. Bạn có thể đến Sở Tư pháp làm thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp, việc làm này rất đơn giản và nhanh gọn bởi sau khi bạn làm thủ tục thì bạn có thể nhận kết quả tại nhà qua đường chuyển phát nhanh.

Bạn cũng cần lưu ý, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là Phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.