Cô gái trẻ bị người yêu cũ đâm trọng thương ở Bùi Thị Xuân: Bài học về cách ứng xử khôn ngoan trong tình yêu

ANTD.VN - Vụ một cô gái trẻ bị người yêu cũ đâm trọng thương do cuồng ghen tại Bùi Thị Xuân là một hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của những vụ việc liên quan đến cuồng yêu. Để tránh xảy ra các vụ đau lòng tương tự, mỗi người cũng nên tự mình trau dồi các kỹ năng ứng xử khéo léo trong tình yêu.

Như báo ANTĐ đưa, tối 14-10-2018, một vụ án nghiêm trọng đã xảy ra tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong đó, nạn nhân là một cô gái trẻ, bị người yêu cũ đâm trọng thương. Trước khi xuống tay dã man, thủ phạm đã nhiều lần nhắn tin đe dọa nạn nhân.

Đây cũng không phải lần đầu tiên một vụ việc đau lòng như vậy xảy ra.

Án mạng từ các vụ cuồng ghen. Nguồn ANTV

 Vậy trong hôn nhân và tình yêu cần xử lý thế nào khi bạn đời hay người yêu cuồng ghen.

- Trong hôn nhân và tình yêu, ghen vừa là chất xúc tác nhưng cũng vừa là mối nguy hại có thể dẫn tới sự tan vỡ nếu đi quá đà. Để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc, các bên nên giải quyết dứt điểm từng mâu thuẫn, tránh tích tụ và cam chịu để dẫn tới dồn nén và sau đó là bùng nổ ghen tuông mù quáng.

Ghen vừa là chất xúc tác cho tình yêu, vừa là nguy cơ dẫn đến tan vỡ và những hậu quả nghiêm trọng hơn

- Chúng ta có thể tạo niềm tin cho nhau thông qua những việc đơn giản hằng ngày như chia sẻ các mối quan hệ bên ngoài (nếu có thể) để tránh những mập mờ, suy diễn, cần thiết hơn có thể báo cho bạn đời biết mình đi đâu, đi với ai, tại sao về trễ,... Từ đó, hai bên có thể ngồi lại giải quyết mọi việc bằng lời nói, không để mâu thuẫn, hiểu lầm đi quá xa rồi biến thành thù hận.

Xây dựng lòng tin sẽ giúp giảm bớt những ghen tuông, hiểu lầm

 - Đối mặt với con ghen, các bạn nên hạn chế những hành động đáp trả một cách mạnh mẽ mà phải tập mềm mỏng, bình tĩnh để không làm đối tượng nổi giận, khiến họ mất kiểm soát, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hầu hết kẻ cuồng yêu thường không kiểm soát được lý trí.

Đối mặt với cơn ghen, bạn nên mềm mỏng, bình tĩnh xử lý tình huống thay vì đáp trả

- Bạn nên nhẹ nhàng và giải thích cho nửa kia của mình hiểu rõ tình huống và vấn đề. Nếu trong trường hợp nửa kia của mình không muốn nghe do quá cáu giận, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là nên đi ra chỗ khác để tránh cuộc xung đột không đáng có. Khi nửa kia của mình tĩnh tâm lại, bạn hãy tâm sự mọi chuyện.

- Tiếp đó, bạn cần tìm hiểu xem cơn ghen đến từ đâu: Có phải xuất phát từ hoàn cảnh gia đình như chứng kiến cha mẹ ly hôn, hoặc thấy anh chị em trong nhà bỏ nhau? Hay đối phương đã từng bị người yêu phản bội? Từ đó, mới tìm ra cách thức để giải quyết sự nghi ngờ, ghen tuông.

- Bạn có thể thử thay đổi “vị trí”, nghĩa là bạn hoán đổi để nửa kia của mình là “nạn nhân” của những cơn ghen. Điều này giúp cho người ghen nếm trải cảm giác của những cơn ghen điên khùng với những lý do ngớ ngẩn sẽ làm khoảng cách giữa hai người xa thêm.

- Tuy nhiên, nếu việc ghen tuông đã trở nên nghiêm trọng, hãy giữ khoảng cách đừng quá gần nhưng cũng đừng quá xa với đối tượng. Trong khoảng thời gian này có thể nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân, tìm cách báo cho gia đình đối tượng để họ có thể tác động phần nào. Trường hợp cơn ghen mù quáng, bệnh hoạn mà có những hành động bạo lực, bạo hành, tra tấn bạn thì nên nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và pháp luật, cam chịu trong những trường hợp này chỉ càng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.