Có công trình tiền tỷ nhưng người dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm

ANTD.VN -Gần 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các vùng khó khăn ở Đắk Nông sau thời gian hoạt động đã xuất hiện hư hỏng, đắp chiếu. Công trình cấp nước sạch nhưng không cấp được nước… sạch nên dân buộc phải dùng nước ô nhiễm, nước suối trong sinh hoạt.

Công trình tiền tỷ bị bỏ hoang

Ông K’Khiêm (60 tuổi, trú bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) kể, năm 2005, bon N’Jiêng được nhà nước đầu tư khoảng bảy trăm triệu đồng xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tất cả 98 hộ đồng bào trong bon đều được lắp đặt đồng hồ nước và đường ống dẫn nước về đến tận nhà. Có nước sạch, bà con an tâm sản xuất, lao động. Thế nhưng niềm vui chỉ kéo dài được hơn một năm, bởi sau đó công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng thường xuyên. Từ năm 2007 đến nay công trình này bị hư hỏng đắp chiếu bỏ hoang.

“Đồng bào chúng tôi ở đây thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nhất là vào mùa nắng hạn, nhiều hộ không có tiền mua nước phải dùng nước sông suối mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, ngay tại trung tâm của mỗi buôn nhà nước đều đầu tư một công trình cấp nước tập trung với số tiền rất lớn nhưng lại không sử dụng được, công trình bị hư hỏng hàng chục năm nay không thấy ai quan tâm sửa chữa, điều này rất lãng phí tiền ngân sách. Mong chính quyền địa phương quan tâm sửa chữa, đưa vào sử dụng để các công trình nước phát huy hiệu quả” – ông K’Khiêm nói.

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa có 19 công trình, cấp nước sạch cho hơn hai nghìn hộ dân nhưng chỉ có một công trình đang hoạt động cấp nước cho 147 hộ dân, còn lại 18 công trình đã bị hư hỏng nhiều năm nay. Hiện các công trình này đã bị hư hỏng hoàn toàn hoặc xuống cấp rất nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.

Một công trình cấp nước tập trung tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, được đầu tư gần bảy trăm triệu đồng bị bỏ hoang hơn 10 năm nay.

Tương tự, công trình nước sạch tại bon Bu Prâng, xã Đắk N’Đrung, huyện Đắk Song, được xây dựng năm 2006. Theo ghi nhận thì sau thời gian hoạt động ngắn ngủi, đến nay công trình đã hoen gỉ, đắp chiếu.

Ông Y G’rưng (72 tuổi), người dân địa phương nói, công trình nước sạch hư hỏng nên người dân phải quay lại sử dụng nước ở khe suối ô nhiễm như trước đây. “Chúng tôi biết nước suối không hợp vệ sinh, nhiễm phèn, có thể bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do bà con chăm sóc cây trồng làm tràn xuống suối. Tuy nhiên, do không còn cách khắc phục nên đa số người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm” – ông Y G’rưng nói.

Trên đây chỉ là một trong hàng chục công trình cấp nước sạch ở huyện Đắk Song được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng không hoạt động kém quả, thiếu thực chất. Còn từ năm 2005 – 2015, toàn huyện Đắk Song được đầu tư 34 công trình cấp nước tập trung cho gần 2.200 hộ dân trên địa bàn với số tiền đầu tư hơn 60 tỉ đồng. Và dù tiền tỉ được đổ vào các công trình này nhưng tính đến nay đã có 22/34 công trình ngưng hoạt động hoặc bị hư hỏng hoàn toàn.

Quá lãng phí trong đầu tư công!

Ông Lê Hoàng Vinh – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Đắk Song thừa nhận, mặc dù ghi nhận việc hư hỏng của các công trình cấp nước sạch nhưng nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa quá lớn vượt ngoài khả năng của địa phương.

“Hiện huyện đang rà soát tổng thể để phân loại, đối với công trình có khả năng khắc phục sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh cấp kinh phí sửa chữa, còn các công trình hư hỏng không thể khắc phục đề nghị tỉnh cho thanh lý sớm tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư” – ông Vinh nói.

Công trình cấp nước lâu không hoạt động

Ông Lê Viết Thuận – Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống lụt bão thuộc Sở NNPTNT Đắk Nông cũng thừa nhận, các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án, do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm thực trạng này”.

Hàng trăm tỉ đồng vốn đầu tư không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Trong khi các công trình cấp nước nằm mục nát, hoen gỉ thì người đồng bào dân tộc thiểu số hàng ngày phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh từ sông suối để sinh hoạt. Đã đến lúc phải xem xét quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể khi để xảy ra lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công.