Chuyện về người phụ nữ vượt qua những… "nỗi đau không thể vượt qua"

ANTD.VN - Cuộc đời của mỗi con người thường có ký ức “đau thương” đặc biệt, không thể phai mờ trong trí nhớ. Vì nó, có người gục ngã, không thể đứng dậy. Hoặc vì nó, có người đã vượt qua và trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn. Với chị, một nhân vật đặc biệt mà tôi được gặp, thì việc tìm ra ký ức như vậy quả không dễ. Bởi những ký ức đau thương trong cuộc đời chị nhiều tới nỗi, nếu kể ra, có lẽ tác giả kịch bản bi nhất cũng khó tưởng tượng hết. Nhưng kỳ lạ, chị vẫn vượt qua tất cả… Chị là Thanh Maika!

Tôi gặp chị lần đầu tiên vào năm 2017, trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào ở Sơn La sau trận lũ quét kinh hoàng. Chị gây ấn tượng với người đối diện bằng một phong cách kết hợp lạ lùng: Mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng rất “nữ tính”, với không ít khoảnh khắc dịu dàng. Mái tóc dài và dày, đôi mắt sâu buồn nhưng khuôn miệng lại luôn có nụ cười thường trực, cùng chất giọng hơi khàn của những người ưa tự do và cá tính. Sự dịu dàng thể hiện qua những nụ cười, cái vén tóc làm duyên khe khẽ, song chị lại khoác lên mình bộ quần áo rằn ri bụi bặm đến khó tin…

Ban đầu, tôi không hiểu tại sao chị lại có sự kết hợp kỳ lạ đó. Cho tới khi được nghe, được biết về cuộc đời bão tố của chị, tôi mới nhận ra, nét dịu dàng của chị có lẽ do tạo hóa ban tặng, nhưng sự mạnh mẽ và quyết đoán thì tự chị phải tạo cho mình, để vượt qua những… “nỗi đau không thể vượt qua”.

Khi chấp nhận và vượt qua nỗi đau trở thành một… thói quen

Sinh năm 1968, chị có tên thật là Đào Phương Thanh, nhưng mọi người vẫn quen gọi chị là Thanh Maika.

20 tuổi, độ tuổi được coi là đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người, thì với chị, đó lại là khởi đầu cho một chuỗi nỗi đau về sau…

Năm 20 tuổi, chị mang bầu con gái đầu lòng. Trong cái năm đặc biệt ấy, bên cạnh niềm vui chào đón thành viên mới của gia đình, chị phải nhận một tin sét đánh: Chồng chị - vốn là thủy thủ tàu viễn dương – qua đời trong một chuyến đi biển gặp bão lớn.

Chị kể lại ký ức đó nhẹ nhàng như cơn gió chớm thu, dù lẽ ra, nó phải được xem như một kỷ niệm đau buồn khủng khiếp khiến người vừa lên chức mẹ cũng đồng thời trở thành góa phụ ở tuổi đôi mươi.

Nhưng có thể hiểu được tại sao chị lại xếp ký ức đó vào một khoảng lặng rất nhẹ trong tim như vậy…

Bởi biến cố lớn nhất cuộc đời Thanh Maika, có lẽ là những gì xảy đến vào năm chị 36 tuổi, năm 2004.

Dịu dàng một cách... cá tính là phong cách rất đặc biệt của chị Thanh Maika

Lần lượt 3 người thân bên cạnh chị là bố, mẹ và em trai nhập viện, gần như cùng lúc: Bố bị ung thư gan, mẹ bị tai biến, còn người em trai bị HIV vì nghiện ma túy. Lúc đó, gia đình chị rơi vào cảnh kiệt quệ khủng khiếp, mà như chị kể, là “gạo không có đủ để ăn”. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người con cả là chị, song tất cả những gì cố gắng, dường như không còn tác dụng với gia đình chị trong hoàn cảnh này.

Ngày 9-5, năm 2004, bố chị mất. Sau đó 9 ngày, người em trai không qua khỏi. Một thời gian ngắn sau đó, mẹ chị ra đi…

Chứng kiến những người thân yêu nhất bên mình bước sang thế giới bên kia đột ngột và gần như cùng lúc đến vậy, chị gục ngã. Và cảm thấy cơ thể như không còn đủ nước để trào lên đôi mắt chịu tang ngày qua ngày như vậy.

Song sự trớ trêu vẫn chưa buông tha người phụ nữ đáng thương ấy!

Trong cảnh đớn đau, ngã khuỵu đó, chị bất ngờ phải đón thêm một tin dữ: Bản thân chị nhiễm virus HIV, sau một lần tiêm truyền cho em trai tại nhà và bị kim tiêm đâm xuyên vào ngón tay áp út…

Chị kể, ngày bị kim đâm vào tay là ngày 20-4-2004, một ngày không thể quên, vì nó tạo ra bước ngoặt thay đổi dữ dội trong cuộc đời chị.

“Khi đó, chưa có thuốc chống phơi nhiễm như bây giờ, nên mình chỉ biết bóp máu cho chảy ra, và xối nước vào. Nhưng như vậy là chưa đủ…”, Thanh Maika trầm ngâm chia sẻ về khoảnh khắc đó.

Chị vẫn nhớ, khi xét nghiệm lần thứ nhất, lần thứ hai, kết quả đều trả về âm tính. Cho tới lần xét nghiệm thứ ba, bác sĩ không trả kết quả cho chị. Đó là dấu hiệu của một điềm dữ…

Cuối tháng 7-2004, chị nhận tin báo “Dương tính” cho xét nghiệm của mình.

Phản ứng lúc đó của người phụ nữ đáng thương là không tin tưởng. Chị không thể tin cuộc đời có thể trêu đùa số phận của chị đến mức ấy. Chị đã đạp xe lao trên đường như một kẻ vô hồn, để tới Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm lại.

Chị kể, vào ngày giông tố cuộc đời đó, chị đã đâm xe vào một chiếc ô tô dừng chờ bên đường. Người lái xe tức giận lao xuống mắng chị, nhưng khi chứng kiến khuôn mặt thất thần, ngơ ngác đến tội nghiệp của Thanh Maika, người đó đã phải xuống giọng hỏi han, và còn sẵn sàng giúp đỡ.

Kết quả xét nghiệm lần bốn, các bác sĩ hẹn một tuần sau trả lời, khi trải qua quá trình test nhanh. Chị bảo, đó là dấu hiệu rất xấu. Một tuần chờ đợi trong tâm trạng thất vọng, hoang mang khiến chị không thiết làm gì cả.

Kết quả trả về không thể phủ nhận thêm: Chị nhiễm HIV.

Thanh Maika chọn cách không nói, không chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả con gái yêu thương cạnh mình. Chị cứ đóng cửa, nằm đó, và nghĩ rằng “nằm để chờ thần chết đến mang mình đi, là sẽ hết mọi ưu phiền”…

“Sau tất cả, tôi sẽ không gục ngã!”

Thanh Maika đã gục ngã, nhưng đó chỉ là trong một thời gian rất ngắn khi chị liên tiếp đón nhận hung tin.

Trước khi người thân quanh mình ra đi, chị chọn công việc làm tình nguyện viên ở Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa. Chính công việc ý nghĩa này đã tạo động lực cho chị vượt qua những nỗi đau tưởng như không thể vượt qua đó.

Chị kể, trong lúc chị thất vọng và suy sụp nhất, những người bạn trong nhóm tình nguyện đã tới động viên chị rất nhiều, hàng xóm của chị sang nhà nấu cháo, bóp miệng chị ra để đổ cháo vào, quyết không để chị chọn cách ra đi để thoát cảnh cùng quẫn.

Chứng kiến tình cảm của những người xung quanh dành cho mình, chị gắng gượng dậy, rồi tình cờ tham gia lớp tập huấn của một tổ chức phi chính phủ về vấn đề HIV-AIDS và tuyên truyền cộng đồng.

Thanh Maika chọn cách cảm ơn cuộc đời nhiều sóng gió, vì dẫu có nhiều trắc trở, chị vẫn cảm nhận được "sự ưu đãi" mà cuộc đời dành cho mình

Như một cơ duyên, chị tiếp thu rất nhanh, và trở thành giảng viên sau khóa học này. Từ một người đang ngã khuỵu, chị có động lực để đứng lên, đi và chia sẻ nhiều hơn trên tư cách mới.

Chính sự tiếp thu những gì mới mẻ từ khóa học đã tạo động lực cho chị làm một điều táo bạo, mà ở thời điểm đó, có thể xem như chưa từng có tiền lệ. Đó là vào đầu năm 2005, chị xuất hiện trên truyền hình và công khai chia sẻ về câu chuyện của mình, có nghĩa là chị công khai cả tình trạng mắc HIV của bản thân…

Chị kể, vào thời điểm đó, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV trong xã hội còn rất nhiều, nhiều tới nỗi việc chị lên tiếng chia sẻ về căn bệnh này khiến chị bị coi như “kẻ gàn dở”.

Việc công khai đó, khiến chị thêm bản lĩnh và mạnh mẽ, bởi phải đối mặt với 2 luồng thái độ đối lập hoàn toàn: Một bên là kỳ thị, kỳ thị chị trên… diện rộng vì ai cũng biết chị đã mắc HIV. Kỳ thị đến nỗi chị ra hàng ăn, chủ quán không bán đồ cho chị, chị tới hàng làm tóc, chủ hàng đuổi chị ra khỏi cửa. Nhưng bên còn lại, là những tấm lòng đồng cảm, chia sẻ hết mực. Chị nhận được nhiều cuộc gọi động viên, những bức thư khích lệ, và cả những món quà ý nghĩa…

Thanh Maika nhớ như in khoản tiền 500.000 đồng quý giá lúc bây giờ, do một bạn sinh viên gửi cho chị. Bạn bảo đây là số tiền để mua vé về quê, nhưng bạn đã không về và để dành tặng chị. Tình cảm chân thành đó càng khiến Thanh Maika có thêm động lực, để sống tích cực và chứng minh rằng: Người nhiễm HIV như chị không phải là “thành phần bỏ đi”, mà hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, làm những điều tích cực trong cuộc sống.

Chị uống thuốc đều đặn, đúng giờ, theo một nguyên tắc khắt khe tuyệt đối, và luôn giữ phong cách sống tích cực, lành mạnh. Chị bảo, muốn làm gì thì cũng phải có sức khỏe, nên suốt từ năm 2005 tới giờ, chị chưa bao giờ bỏ liều, hay uống thuốc lệch giờ một lần nào cả.

Dù cũng có lúc xuống tinh thần, nhưng chị Thanh Maika luôn vượt qua một cách đáng khâm phục. 

Rồi niềm vui lại tới với Thanh Maika, khi chị được mời làm việc cho một tổ chức phi chính phủ mới, giúp chị có nhiều cơ hội giảng dạy, đi lại và chia sẻ với cộng đồng.

Khi có nguồn tài chính ổn định hơn, sức khỏe đảm bảo hơn, Thanh Maika bắt đầu “trả nợ” cuộc đời. Với chị, cuộc đời trớ trêu nhưng cũng rất nhân hậu. Trong những lúc khốn cùng nhất, chị được sự bao dung và chia sẻ của mọi người giúp đỡ. Nên khi vững vàng và vượt qua sóng gió, chị muốn dành lời cảm ơn bằng cách làm từ thiện nhiều hơn, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đó là lý do Thanh Maika trở thành cái tên quen thuộc trong nhiều chương trình từ thiện, của nhiều chuyến đi cứu trợ trên khắp mọi miền đất nước. Chị làm từ thiện bằng một nguồn năng lượng dường như không bao giờ cạn, khiến chính bản thận chị phải thừa nhận rằng, không hiểu vì đâu mà chị có sức lực làm được như vậy…

Niềm vui của Thanh Maika là chia sẻ nụ cười với mọi người

Cuộc đời chị, xem như một câu chuyện bi thương nhưng lại có cái kết rất hậu, song là cái kết tính đến… cuối năm 2017. Vì sự trớ trêu, dường như vẫn chưa buông tha Thanh Maika, cho tới tận bây giờ.

Cú sốc mới trong cuộc đời nhiều… cú sốc của Thanh Maika

Ngày 6-3-2018, tôi gặp lại chị. Đó chỉ là một lịch hẹn thông thường, nhưng tình cờ, lại rơi vào ngày rất đặc biệt. Vì đó là ngày đầu tiên chị trở lại công việc, sau một thời gian điều trị… bệnh ung thư.

Trong chuyến đi thiện nguyện tới Sơn La hồi năm 2017, khi lần đầu gặp chị, cả tôi và chị đều chưa biết rằng những tế bào ung thư đang len lỏi trong cơ thể Thanh Maika.

Sau chuyến đi đầy ý nghĩa cùng đoàn công tác xã hội của Báo An ninh Thủ đô và Trung tâm đào tạo Võ thuật tài năng trẻ Việt Nam, cứu trợ đồng bào bị lũ quyét kinh hoàng ấy, chị khám sức khỏe và nhận một cú sốc mới: Chị bị ung thư vú giai đoạn cuối…

Cảm giác lúc này của chị khó tả đến vô cùng. Nếu như là trước đây, chị sẽ đón nhận hung tin ấy một cách đơn giản và thanh thản. Nhưng trải qua 14 năm kiên cường chiến đấu với HIV, để chứng minh cho cộng đồng thấy rằng người mắc loại virus thế kỷ này vẫn có thể sống khỏe, sống có ích, thì đột ngột phải nhận thông tin về một “cuộc chiến” mới.

Thanh Maika bảo, khi biết mình bị ung thư, chị cảm thấy sốc hơn cả lúc nhận tin “nhiễm H”. Trong đôi lúc lẩn thẩn, chị nghĩ bản thân đã “quá lãi” vì cuộc đời cho chị được sống, được cống hiến suốt 14 năm qua. Nhưng khi nghĩ lại, những công việc thiện nguyện đang dang dở, những dự định ý nghĩa vẫn ngổn ngang, chị lại không đành lòng.

Thêm một lần nữa, những người xung quanh chị lại động viên chị đi chữa bệnh, “H còn chiến đấu được, thì sao phải ngại ung thư?”. Cứ thế, chị lại lên đường để tuyên chiến với căn bệnh hiểm nghèo mới.

Dù phải đón nhận bao nhiêu nỗi đau, Thanh Maika vẫn vượt qua, theo cách mà chị hướng đến từ ngày đầu: Nhận sẻ chia, và chia sẻ...

Trong cuộc trò chuyện, chị kể tất cả biến cố, cú sốc trong cuộc đời chị bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, đi kèm những nụ cười thư thái. Có lúc, không kìm được xúc động, chị rơi nước mắt, nhưng rất nhanh sau đó, chị lại nở nụ cười.

Nhiều người sẽ hỏi, tại sao Đào Phương Thanh lại có biệt danh là “Thanh Maika”. Tôi cũng đã hỏi chị như thế. Và chị kể, biệt danh này có từ khi chị còn rất trẻ. Đó là lúc bộ phim nước ngoài “Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống” nổi tiếng được chiếu tại Việt Nam. Từ khi trẻ, chị luôn nhìn mọi thứ bằng đôi mắt tươi sáng, thậm chí có phần ngây thơ, nên bạn bè đặt luôn biệt danh cho chị là “Thanh Maika”, lấy từ tên nhân vật chính trong phim.

Có lẽ cũng nhờ biệt danh ấy, mà Thanh Maika đã vượt qua tất thảy nỗi đau tưởng như không thể vượt qua, để sống vui, sống tích cực mỗi ngày...

*****

Tôi gập cuốn sổ ghi lại cuộc trò chuyện với chị, và giật mình nhận ra, đây là lần đầu tiên trò chuyện với một nhân vật, tôi đã viết kín 11 trang giấy. Bất kể chi tiết nào trong cuộc đời chị, cũng có thể viết thành một bài dài đầy cảm xúc về nghị lực sống, ý chí chiến đấu với bệnh tật và làm những điều tốt đẹp, ý nghĩa cho cộng đồng.

Vậy nên, tôi đã quyết định sẽ không viết lời kết cho bài viết kể về cuộc đời của Thanh Maika. Tôi muốn để đó một cái kết mở, để những thứ trớ trêu trong cuộc đời và sự bản lĩnh, nghị lực của chị tự viết tiếp.

Dù trải qua biết bao biến cố như thế, dù có H, dù ung thư giai đoạn cuối, nhưng tôi nhận thấy không phút giây nào trong cuộc sống của Thanh Maika là không có ích cả. Chị vẫn kiên cường chiến đấu như một người hùng, để hướng tới tương lai...