Chuyện về hai vị tướng quân tài giỏi, khảng khái

ANTD.VN - Thời xưa, ở một Vương quốc nọ, có hai vị tướng quân tài giỏi là Muhamed và Obagi, tài trí ngang nhau, đều được Quốc vương rất trọng dụng và quý mến, nhưng có một điều là họ lại luôn có ý kiến trái ngược nhau trong bất cứ chuyện gì. 

Mỗi khi Vương quốc có chuyện cần giải quyết, Quốc vương muốn lấy ý kiến của các vị tướng quân thì y như rằng hai vị tướng quân này đưa ra hai ý kiến trái chiều nhau và họ sẽ tranh luận, hùng biện để bảo vệ ý kiến của mình mãi không dừng được.

Một lần nọ, tướng quân Obagi cùng với quân lính của mình bị thất bại trong một trận chiến đấu do ông chỉ huy vì đã sai lầm trong chiến lược nên Obagi bị nhốt vào ngục tối để chờ xét xử. Một tướng quân khác cũng bị tội lần này liền dùng miệng lưỡi xảo trá, thay trắng đổi đen và được thoát tội nên những vị tướng quân khác khuyên Obagi rằng nên làm theo vị tướng quân kia để cũng được thoát tội, lời nói gió bay đâu có bằng chứng để lưu lại.

Nhưng tướng quân Obagy đã từ chối thẳng thừng, ông nói: “Ai làm vậy được chứ riêng ta thì không làm thế được, ta có nguyên tắc của riêng mình, ta không bán rẻ đức độ và lương tâm của mình. Sống khó nhất là coi trọng lương tâm mình và giữ cho nó được trong sạch. Phải thẳng thắn vô tư thì mới sống đàng hoàng được. Ta sai ở đâu ta chịu ở đó, quyết không nói hai lời, đổi trắng thành đen”.

Những người ủng hộ tướng quân Muhamed thì đến hiến kế cho ông rằng nhân lúc Obagi bị sa cơ nên nói thêm với Quốc vương để ông ta bị cách chức về quê luôn, để đỡ bận tâm, nhổ cái gai trong mắt, từ đó sẽ chẳng còn ai chống đối ý kiến, cãi cọ ông nữa.

Nhưng không ngờ tướng quân Muhamed cười lớn rồi nghiêm mặt trả lời: “Ta với tướng quân Obagi chỉ là luôn có ý kiến khác nhau trong công việc thôi, cũng vì đất nước cả, chứ ta với ông ấy chưa bao giờ đối đầu, tranh đấu, thù oán nhau, tại sao ta lại làm cái trò tiểu nhân ấy được. Chỉ là phương pháp xử lý khác nhau chứ đâu có thù oán cá nhân, sao có thể lấy lý do đó để đâm sau lưng người khác. Làm người phải thẳng thắn vô tư thì mới sống đàng hoàng được. Làm một việc trái với lương tâm mình thì sống không bằng chết”.

Một con người chân chính luôn biết tách bạch rõ ràng việc công - việc tư, không lấy tình cảm cá nhân để xử lý công việc và không bao giờ có cái tâm nhỏ nhen, thù vặt, không mượn gió bẻ măng, làm việc khuất tất hại người.