Chuyện người cựu chiến binh lập bảo tàng gìn giữ máu xương đồng đội

ANTD.VN - Ròng rã suốt 20 năm, ông Lâm Văn Bảng đã cùng bạn bè âm thầm đi khắp mọi miền đất nước sưu tầm những hiện vật cũ của đồng đội về trưng bày ở bảo tàng do chính mình tạo dựng ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Nơi ấy, không chỉ có các tư liệu lịch sử, hiện vật giá trị mà còn có cả tấm lòng son sắt, thủy chung của những chiến sĩ cách mạng trung kiên... 

Cóp nhặt kỷ vật một thời

Ông Bảng năm nay tuổi đã ngoài thất thập. Ở cái tuổi cổ lai hy này, lẽ ra người ta sẽ dành thời gian vui vầy cùng con cháu, an hưởng tuổi già, ấy nhưng với ông thì ngược lại. Lúc nào người ta cũng thấy ông tất bật, hết đón đoàn cựu binh này lại đi gặp mặt hội cựu binh khác. Không thế thì ông cũng tối mắt với những dự án, kế hoạch sửa sang bảo tàng hoặc đi sưu tầm hiện vật. 

Năm 1965, lúc tròn 20 tuổi, ông Bảng làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau khi huấn luyện xong, ông theo đường Trường Sơn hành quân vào Nam chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ trong đội hình Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Sau này theo yêu cầu chiến trường, ông được biên chế về Đại đội hỏa lực DKZ trực thuộc Trung đoàn 1 Bình Giã, Sư đoàn 9. Chỉ sau hơn 1 năm vào chiến trường, ông đã được kết nạp Đảng và giữ chức Trung đội phó.

Ông bảo, biến cố lớn nhất cuộc đời mình và cũng là căn nguyên của việc ông lập lên một bảo tàng cá nhân “hoành tráng” nhất nước có lẽ bắt đầu từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Đánh xong đợt 1, ông Bảng vẫn bình an vô sự, nhưng đến đợt 2 thì tai họa ập đến. Trong trận chiến ngày 8-5-1968, ông dính gần trọn 1 quả cối của địch và bị thương nặng. -

Gãy cả chân lẫn tay, bụng thì thủng khiến ruột xổ ra ngoài, ông được một chiến sĩ kéo xuống hố pháo gần đó tránh đạn rồi ngất đi. Đến chiều khi tỉnh lại thì đồng đội đã rút hết. Địch chiếm trận địa, thấy ông ngọ nguậy, chúng liền bắn thêm một phát vào đùi cho ông gục hẳn, lôi về khám Chí Hòa.

Giam 1 tháng mà thấy ông không chết vì vết thương, chúng đưa ông sang trại tù binh Biên Hòa rồi đày ra đảo Phú Quốc. Ông sống trong những địa ngục đó đến năm 1973 thì được trao trả theo Hiệp định Paris. Ra Bắc với tỷ lệ thương tật 2/4, ông Bảng về làm việc ở Công ty quản lý đường bộ Hà Tây. Sau đó ông chuyển về xí nghiệp Đường bộ 208 - Hà Nội.

Năm 2004, ông nghỉ hưu và dành toàn bộ thời gian, công sức, tiền của để lập cho mình một phòng truyền thống sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật của mình và đồng đội trong suốt quãng thời gian bị địch cầm tù.

Phòng truyền thống ấy được xây dựng tại chính ngôi nhà của ông trong thôn Nam Quất, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông Bảng và đồng đội đã sưu tầm được hàng nghìn hiện vật vô cùng quý giá, mỗi hiện vật là một câu chuyện về lòng dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng, như chiếc xẻng tự tạo đã giúp các chiến sĩ đào hầm, thực hiện nhiều cuộc vượt ngục thành công.

Nhưng làm được một chiếc xẻng đó là cả một kỳ công. Vật liệu sử dụng bằng dụng cụ đựng cơm hàng ngày. Theo ông Bảng, để tạo được chiếc xẻng cũng phải mất vài ba tháng và nếu để kẻ địch biết được thì khó có thể giữ được tính mạng. Với ông chiếc xẻng là kỷ vật vô giá gắn với ông cả thời kỳ ở nhà tù Phú Quốc và ông cũng không nhớ nó đã giúp đào được bao nhiêu mét vuông giúp cho bao nhiêu đồng chí vượt ngục. 

Trong số các hiện vật trưng bày tại Phòng truyền thống mà nay đã được Nhà nước công nhận là Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, không phải hiện vật nào cũng dễ tìm và thuận lợi. Nhận được thông tin gì liên quan đến những kỷ vật của đồng đội là ông tìm đến vận động họ tập trung về với phòng trưng bày của mình.

Ý tưởng này đã ngốn của ông 20 năm trời. Có nhiều kỷ vật ông và đồng đội phải tốn khá nhiều chi phí để đi sưu tầm về. Ví dụ như bộ cắt móng tay của các chiến sĩ trong tù, ông và đồng đội phải vào Nha Trang vận động 4 lần gia chủ mới đồng ý cho đưa ra Hà Nội trưng bày.

Gia đình ấy có tới 4 người con cùng bị giam trong tù Phú Quốc, trong đó có 2 người đã hy sinh. Họ coi kỷ vật này như vật báu và được đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Trong số những hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng của ông, có lẽ việc tìm và vận động một gia đình đã lưu giữ lá cờ Đảng được thêu trong tù là khó khăn lớn nhất. Phải thuyết phục nhiều lần, ông Dư (chủ nhân của lá cờ Đảng trong nhà tù Phú Quốc) mới đồng ý giao lại lá cờ cho ông Bảng mang về trưng bày cho đông đảo mọi người chiêm ngưỡng.

Ông Bảng kể: “Trước khi đưa cho chúng tôi lá cờ, anh Dư nước mắt ròng ròng bảo, đây là máu xương của đồng đội giao cho tôi gìn giữ bao nhiêu năm trong nhà tù. Bảo tàng các anh phải có trách nhiệm gìn giữ và truyền lại cho con cháu đời sau biết rằng, chúng ta đã từng chiến đấu và hy sinh như thế”.  

Nơi thắm đượm tình người

Kể từ ngày ông Bảng chính thức mở cửa bảo tàng, đã có hàng nghìn đoàn khách ở khắp mọi miền của Tổ quốc về thăm. Họ là những người lính đã từng chiến đấu ở khắp các chiến trường về đây để ôn lại quá khứ hào hùng và cũng để tự răn mình phải sống như thế nào cho xứng với những hy sinh của đồng đội.

Ông Bảng kể, đồng đội của ông ở khắp mọi miền Tổ quốc về đây đều để lại những kỷ niệm khó quên. Vào một trưa tháng 5 nắng như đổ lửa, ông Bảng đón một người phụ nữ luống tuổi tự xưng là có chồng cũng là cựu tù Phú Quốc.

Người phụ nữ đó nói, chồng của bà tên Minh ở huyện Chương Mỹ. Ông Minh nghe đến bảo tàng này qua bạn bè và luôn ước muốn đến thăm một lần. Nhưng tuổi cao sức yếu, năm lần bảy lượt chuẩn bị đi thì vết thương cũ lại tái phát. Cho tới khi mất, ông Minh vẫn không thực hiện được ước nguyện của mình dù nhà cũng không quá xa. Vì thế trước khi nhắm mắt, ông trăng trối với vợ con: Bằng giá nào cũng phải thay mặt ông tới Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thắp vài nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh trong ngục.

Trong bảo tàng của ông Bảng có một công trình mang ý nghĩa lớn lao, đó là nhà tưởng niệm các liệt sĩ. Xây nhà tưởng niệm này, ông Bảng đã cất công lấy từng nắm đất ở khu biệt giam A2 (nơi mà máu của các chiến sĩ đổ nhiều nhất trong Nhà tù Phú Quốc), đồi an nghỉ của các chiến sĩ ở nhà tù Côn Đảo, Sơn La và hầu như toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước quy tụ về đây để anh em cùng tưởng nhớ tới những đồng đội đã hy sinh.

Từ nhiều năm nay, trong những ngày ngày lễ lớn của đất nước, bảo tàng của ông Bảng luôn là địa chỉ đỏ cho nhiều người ở khắp mọi miền đất nước đến tham quan học hỏi. Qua nhiều di vật, hiện vật quý giá mà ông và đồng đội đã tìm được, đã có hàng nghìn chiến sỹ, cựu chiến binh trong Nhà tù Phú Quốc tìm đến với nhau. 

Trong suốt câu chuyện, ông Bảng chỉ nói về đồng đội và những kỷ vật chứ ít nói đến bản thân mình. Nhìn qua cách ông tiếp khách ân cần, đoàn nào đến thăm ông cũng hết lòng đi giới thiệu, chúng tôi hiểu hơn về tấm lòng của ông với những kỷ vật của đồng đội.

Hiện nay, dù chỉ còn một quả thận, nhưng vẫn gánh trên người 15 vết thương, một viên đạn, vậy mà suốt 20 năm qua, bất kể ngày nghỉ phép nào ông cũng tranh thủ đi khắp nơi để sưu tập kỷ vật của đồng đội. Chúng tôi hỏi, bị thương như vậy ông lấy sức khỏe đâu để đi? Ông chỉ nói đơn giản: “Đồng đội thôi thúc thì tôi đi. Suốt những năm ở Nhà tù Phú Quốc, các bạn tôi đến cái chết cũng nhận về phần mình thì nay tôi sống sót trở về càng phải có trách nhiệm với những người nằm xuống. Có làm vậy thì thế hệ sau mới hiểu để được như hôm nay, cha ông chúng đã chiến đấu ngoan cường như thế nào”.