Chuyện kể của Trung tá công an trên đường về nơi người cha hy sinh anh dũng

ANTD.VN - 45 năm, khoảng thời gian đủ dài để se lành nỗi đau chiến tranh. Nhưng ước nguyện một lần được thắp nén hương thơm lên mảnh đất nơi chồng, cha mình đã ngã xuống vẫn đau đáu trong lòng mẹ con Trung tá Trương Quốc Hiên, cho tới một ngày…

Trung tá Trương Quốc Hiên (bên trái) cùng đồng đội lên phương án điều tra một vụ án

Nghe danh “10 năm phá thành công 100% trọng án” đã lâu, nhưng phải tới khi CATP Hà Nội tổ chức cuộc thi viết “Tôn vinh những tấm gương Anh hùng liệt sĩ, thương binh của Công an Thủ đô”, tôi mới có dịp được tiếp xúc với Trung tá Trương Quốc Hiên - Đội phó Đội Điều tra tổng hợp CAQ Long Biên.

Phá hàng loạt vụ án với nhiều tình tiết ly kỳ

Một chiều trung tuần tháng 7, gọi điện cho anh xin một cuộc gặp, sau ít giây lưỡng lự anh “khất” vài hôm tới vì ngay sáng sớm hôm sau anh cùng mẹ phải vào Quảng Trị thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”. Với nhạy cảm nghề nghiệp, tôi xin phép được tham gia hành trình để được tìm hiểu về biệt tài “phá thành công 100% trọng án” và cũng để thỏa tò mò chuyến đi đặc biệt của gia đình anh.

Suốt dọc hành trình, tôi được nghe những vụ trọng án xảy ra trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2004-2014, do anh cùng đồng đội khám phá, với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn không kém gì phim ảnh.

Đó là vụ đối tượng Khánh dùng khăn mùi soa siết cổ vợ đến chết, sau đó dựng hiện trường giả thành một vụ tự sát. Sau khi gây án, Khánh vẫn ung dung nấu mì tôm ăn đêm và xem tivi. Cả 3 ngày hỏi cung sau đó, hắn vẫn giữ thái độ lạnh lùng và không hề đả động tới việc lo hậu sự cho người đã cùng mình bao năm gắn bó. Sự lạnh lùng tàn ác đó vừa là động lực để Tổ trưởng tổ điều tra Trương Quốc Hiên quyết tâm tìm ra sự thật và cũng là điểm khả nghi để anh lần theo điều tra, buộc đối tượng phải nhận tội trước những chứng cứ không thể chối cãi. 

Rồi vụ khai quật mộ nạn nhân tên Tùng sau một tháng chôn cất, phát hiện 12 xương sườn bị gãy. Từ đó điều tra, chứng minh nạn nhân bị đánh chết chứ không phải say rượu rồi cảm chết như lầm tưởng của nhiều người và đưa 3 đối tượng ra ánh sáng. 

Hay như vụ đối tượng giết bà chủ nhà nghỉ, lấy tài sản rồi bỏ trốn về quê Thanh Hóa, sau đó trốn vào Tây Ninh nhưng cuối cùng đã phải tra tay vào còng chỉ sau 30 tiếng. Nút thắt của vụ án đến từ câu nói bâng quơ của một chủ cửa hàng nhôm kính ở quán nước vỉa hè, khi người này than phiền về một nhân viên đang yên đang lành bỏ đi không tung tích. Kinh nghiệm cùng linh cảm nghề, tổ trưởng Trương Quốc Hiên nhận định người nhân viên là đối tượng tình nghi, sau đó cho xác minh thì biết người này từng có thời gian làm bảo vệ tại nhà nghỉ của nạn nhân. 

Con đường đến với nghề cảnh sát hình sự của Trung tá Trương Quốc Hiên khá thú vị. Anh kể: “Ngày đó tôi rất thích văn nghệ, suốt ngày mò cua bắt ốc đem bán, dành dụm được ít tiền đi từ quê (Phù Cừ, Hưng Yên) lên Hà Nội để mua một cây đàn, nhưng bị trộm móc hết sạch tiền. Thế là quyết tâm thi bằng được vào trường công an để sau này đi bắt tội phạm”. 

Ước mơ cháy bỏng 

Hỏi anh kỷ niệm nhớ nhất hồi còn đi học là gì, vị trung tá sinh năm 1969 im lặng một hồi rồi đáp: “Đó là những chiều cuối tuần nhìn bạn bè được bố lên  trường thăm nom với túi quà đầy ắp, còn mình thì không còn bố. Tủi thân lắm”.

Những câu chuyện dần chuyển sang chủ đề về cha anh - liệt sỹ Trương Quốc Khánh, Trung úy, Đại đội phó Tiểu đoàn 25 Bộ Tư lệnh Đặc công. “Ông ấy là con một. Nhập ngũ năm 1964 đến 1967 xuất ngũ làm giảng viên Trường Sỹ quan Đặc công, sau đó tình nguyện xin ở lại chiến đấu tại chiến trường khói lửa Quảng Trị. Ngày ông ấy đi, thằng Hiên mới có 3 tháng tuổi, còn chưa được thấy mặt cha. Và mãi mãi không thấy mặt…”, bà Nguyễn Thị Lịch (mẹ Trung tá Nguyễn Văn Hiên) bùi ngùi kể. 

Không lâu sau khi được giải phóng, Quảng Trị lại gồng mình chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972). Lá thư cuối cùng ghi ngày          5-6-1972, ông viết gửi về cho bà căn dặn: “Chiến trường đang rất ác liệt. Chuyến này anh đi nếu có không trở về cũng hết sức bình thường. Nếu có hy sinh cũng thịt nát xương tan, đặc công mà em, nên đừng cất công tìm xác anh làm gì. Em ở nhà gắng nuôi con khôn lớn, thành người”. Giấy báo tử gửi về gia đình ghi ngày mất của liệt sỹ Trương Quốc Khánh là ngày 5-9-1972, tức 11 ngày trước khi chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc. Khi ấy, Trung tá Trương Quốc Hiên mới 3 tuổi. 

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình nhiều lần vào các tỉnh miền Trung tìm kiếm hài cốt nhưng vô vọng. Cũng chỉ áng chừng ông mất tại Quảng Trị, chứ cũng không rõ là Cam Lộ, đường 9, Khe Sanh hay trận địa nào. “Nguyện vọng cuối đời của mẹ tôi và cũng là của gia đình là một lần được thắp nén hương tại nơi cha chúng tôi hy sinh”, anh Trương Quốc Hiên thổ lộ. 

Và nguyện ước đã thành hiện thực

Tháng 5 vừa qua, tròn 45 năm Quảng Trị được giải phóng, Trung tá Trương Quốc Hiên cùng đoàn công tác CATP Hà Nội vào dâng hương tại Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị. Khi di chuyển đến bia tưởng niệm ghi danh Tiểu đoàn 25 Bộ Tư lệnh đặc công, dường như có thứ gì đó vô hình níu giữ chân anh.

“Mình có thói quen đọc sách nên khi đến đó dù rất mệt song vẫn cố nán lại để xem vài cuốn sách. Tình cờ nhìn thấy bia ghi Tiểu đoàn 25, gọi điện về cho gia đình kiểm tra giấy báo tử thì đúng là đơn vị của cha mình. Sau 45 năm, cuối cùng gia đình đã biết mảnh đất ông nằm lại”, anh Hiên kể - “Đó là lý do lần này mình dẫn mẹ trở lại Thành cổ, để bà thỏa nguyện ước bấy lâu”. 

Lời chia sẻ vừa dứt cũng là lúc xe chở đoàn dừng chân tại Thành cổ Quảng Trị. Bước chân vội vã tới gần tấm bia tưởng niệm Tiểu đoàn 25 - đơn vị của liệt sỹ Trương Quốc Khánh, hai mẹ con bà Lịch run run thắp nén hương, thành kính đặt lên vùng đất mà người chồng, người cha họ đã anh dũng hy sinh. Nỗi niềm khắc khoải, đau đáu, mòn mỏi đợi chờ suốt 45 năm qua, dồn nén rồi bật trào thành những giọt nước mắt, lăn dài trên gương mặt người đàn bà già nửa cuộc đời “thờ chồng nuôi con” và trên gương mặt vị trung tá công an mồ côi cha từ 3 tuổi. 

Trước anh linh chồng, bà Lịch nghẹn ngào: “Ông ơi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ông giao, chăm sóc bố mẹ già và nuôi con khôn lớn, thành người. Thằng Hiên nó giống ông lắm, bản lĩnh và tự lập, tiếp bước truyền thống gia đình viết nên nhiều chiến công. Nơi suối vàng, ông hãy tự hào về con, ông nhé”.

(Thành cổ Quảng Trị, chiều 14-7-2017)