Chuyên gia y tế nói về xác suất nhiễm HIV do bơm kim tiêm

ANTD.VN - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ ở mức 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh…

Ám ảnh hàng chục người dân quê ở xã miền núi Kim Thượng bị nhiễm HIV

Liên quan đến vụ 42 người ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị nhiễm HIV gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, vấn đề đường lây nhiễm của các bệnh nhân vẫn đang là điều được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng, khả năng những người này bị truyền bệnh do dùng chung bơm kim tiêm là không cao.

Virus HIV ra môi trường sống được bao lâu?

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai, có 3 đường lây truyền HIV là qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và truyền từ mẹ sang con.

Trong đó, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy là hình thái lây truyền chủ yếu trong đại dịch HIV/AIDS cách đây 10 năm, ước tính có đến 80-90% lây qua bơm kim tiêm ở những người sử dụng ma túy. Họ dùng 1 bơm kim tiêm duy nhất để lấy thuốc và chích cho nhau tại cùng trong 1 thời điểm nên virus HIV sẽ lây trực tiếp cho người khác.

Tuy nhiên, với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu không may bị giẫm vào, bị đâm, thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn. TS Cường cho biết, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.

TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế cũng cho biết, virus HIV khi ra môi trường sẽ chết rất nhanh. Các nhà khoa học đã chứng minh, virus HIV sống trong máu của tử thi lâu nhất được 3 ngày. Còn với các bơm kim tiêm dính máu vứt ngoài môi trường thì virus HIV sống được lâu hơn một chút nhưng khả năng lây truyền không cao.

Vậy người dân cần xử lý như thế nào nếu không may bị đâm hoặc giẫm phải bơm kim tiêm, vật sắc nhọn dính máu nhiễm HIV ngoài môi trường. TS Cảnh khuyến cáo: Trước hết, người dân cần bình tĩnh. Nếu thấy tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và điều trị.

Nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh đến… vài chục năm

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết, trước đây HIV được gọi là “căn bệnh thế kỷ”, nếu nhiễm HIV thì coi như “mang án tử”, thậm chí không ít người khi biết mình bị HIV đã tự tử hoặc có hành động quá khích như trả thù người lây nhiễm cho mình, trả thù cộng đồng. Đó là những hành động không nên.

Đặc biệt với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện nay, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường. Ông Cảnh dẫn chứng, người mắc virus HIV đầu tiên ở Việt Nam đến nay sau 30 năm vẫn khỏe mạnh, có chất lượng cuộc sống tốt.

Chuyên gia y tế nói về xác suất nhiễm HIV do bơm kim tiêm ảnh 2

Ông Hoàng Đình Cảnh khẳng định người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị vẫn có thể sống khỏe mạnh

Cụ thể, nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV thì sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.

Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện nữa. Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.

Chẳng hạn với huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) – nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV rất cao, ông Cảnh cho biết, Bộ Y tế và tỉnh Phú Thọ đã thống nhất mở một điểm điều trị ARV cho người dân ngay tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, sẽ phát thuốc ARV miễn phí cho tất cả người bị phơi nhiễm (mỗi lần phát thuốc đủ dùng trong 3 tháng để người bệnh đỡ phải đi lại nhiều). Với riêng xã Kim Thượng – nơi có 42 người nhiễm HIV, sẽ cử cán bộ về tận xã để khám và phát thuốc miễn phí cho người bệnh.

Về tư vấn cho người mới bị nhiễm HIV ở xã Kim Thượng, ông Cảnh cho biết, cần cử chuyên gia tư vấn giỏi về tư vấn cho những người không may bị nhiễm HIV để họ có thể vượt qua được trạng thái “sốc” khi biết mình mắc bệnh, nhất là để họ hiểu mắc HIV không phải là án tử, cũng như cần làm gì để dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh… Công tác tư vấn cần liên tục và phải có thời gian.