Chuyên gia hiến kế chiến lược phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học

ANTD.VN - Nhiệm vụ của giáo dục đang được đòi hỏi nhiều hơn trong việc hình thành, phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách học sinh thay vì chỉ nặng về cung cấp, trau dồi tri thức. Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái xã hội, tình trạng xâm hại trẻ em đang được cảnh báo và cần nhiều biện pháp phòng chống từ phía nhà trường.

Chuyên gia hiến kế chiến lược phòng chống xâm hại trẻ em trong trường học ảnh 1Có ý kiến cho rằng cần bổ sung tiêu chuẩn về an toàn khi đánh giá trường học chuẩn

Thầy cô không phải ai cũng nắm được luật

Phát biểu trong buổi tọa đàm về vấn đề xâm hại trong học đường do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện, Nhà giáo, ThS tâm lý học Đinh Đoàn cho biết, ông từng tham gia rất nhiều lớp tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em cho giáo viên và nhận thấy chính thầy cô cũng không nắm được luật. Chính vì vậy, trên thực tế, ngay trong đội ngũ giáo viên, không ít người vẫn hồn nhiên nghĩ, sờ mông, đùi, chạm vào “chỗ kín” của học sinh… là trò đùa vô hại. 

Nhà trường cũng là nơi làm việc, thầy cô cũng là những người phải tiếp xúc với trẻ hàng ngày nên nguy cơ xâm hại trẻ em cũng có thể xảy ra như ở bất cứ môi trường nào khác. “Hiện nay, các nhà trường cũng mời chuyên gia dạy về phòng chống xâm hại cho trẻ. Họ dạy trẻ không nhận quà từ người lạ, cách thoát hiểm khi gặp nguy hiểm… nhưng không ai nói đến việc giáo viên sờ vào người, rủ đi vệ sinh cùng… thì các con phải phản ứng như thế nào. Chúng ta vẫn né tránh, không dạy trẻ phải cảnh giác với những người thân của mình, trong khi đa số các vụ xâm hại trẻ em là do người thân, người quen biết với trẻ gây ra”, ThS Đinh Đoàn đặt vấn đề.

 “Cần phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu để nếu xảy ra xâm hại trẻ em thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Các thầy cô cũng cần nắm được luật, nên phổ biến cho họ những gì liên quan thiết thực nhất để giáo viên nắm được như thế nào là phạm luật” - Ths Đinh Đoàn đề xuất.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và cả giáo viên

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, ngay chính trong một không gian an toàn cho trẻ em là trường học vẫn cần có biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ em. “Trẻ em cả về tinh thần, thể chất, ý thức, hiểu biết, khả năng chống đỡ - mọi mặt đều yếu, nên trường học là nơi càng phải lưu ý hơn khi mối quan hệ quyền lực tồn tại. Hệ thống giáo dục nên có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề này để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh của mình. Muốn thay đổi thì phải có chiến lược đảm bảo an toàn cho trẻ em và cả giáo viên. Khi có chiến lược sẽ lập được các kế hoạch cụ thể. Tập huấn cho giáo viên hàng năm có bao giờ dành thời gian cho việc nói về bình đẳng giới, xâm hại tình dục… chưa? Những vấn đề này không phải chỉ là quy định trên giấy, mà cần phải là sự hiểu biết và vận dụng rõ ràng”- bà Vân Anh phân tích. 

Nhấn mạnh một yêu cầu hiện nay trong cách đối xử với trẻ em, bà Vân Anh cho rằng: “Không phải chỉ sờ vào vị trí nhạy cảm, mà cần phải ý thức được nếu sờ vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà khiến người ta khó chịu đều là không được phép”. Chính vì vậy, bà Vân Anh tỏ ra lo ngại khi đề cập đến vấn đề cho trẻ học các lớp kỹ năng sống. “Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các vụ xâm hại tình dục được gây ra bởi người thân, quen… của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì cũng khó chống đỡ khi đứng trước người to lớn, nặng hơn hẳn mình. Những kẻ tìm cách xâm hại tình dục trẻ em ngoài sức mạnh, còn có kế hoạch, âm mưu như cho kẹo, tiền, tăng điểm, vũ khí ngọt ngào - chứ không phải lập tức xông vào trẻ nên việc chống cự lại có thể sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Dạy trẻ như thế nào cần phải có sự thảo luận, chương trình cụ thể, quy định rõ, không phải ai tự nhận mình là chuyên gia lên truyền hình dạy cho hàng nghìn người là cái gì cũng đúng”.

Còn luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci thì nhấn mạnh: “Cần có một khảo sát xã hội để nhận diện những nguy cơ bạo lực trong môi trường học đường. Nhà nước nên có điều tra xã hội học xem môi trường học đường đang tồn tại vấn đề gì, các nguy cơ xảy ra bạo lực để thấy hiện trạng rõ ràng nhất. Sau đó lựa chọn cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Luật pháp không nên quy định cứng nhắc về mối quan hệ của các cơ quan này. Nhu cầu được cho trẻ an toàn là nhu cầu dân sự, dịch vụ có trả công, nên hoàn toàn có thể xã hội hóa. Bên cạnh đó nên tách Hội Cha mẹ học sinh ra khỏi nhà trường, Hội này nên là cơ quan giám sát chứ không phải là cánh tay nối dài của nhà trường”. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tú cho rằng đã đến lúc sửa bộ quy chuẩn thế nào là trường học chuẩn, ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ… thì cần bổ sung những tiêu chuẩn hữu hình cần thêm tiêu chuẩn về an toàn. Thí dụ như có bao nhiêu tiết học về bình đẳng giới, luật (dạy cho học sinh từ cấp 2 trở lên, giáo viên, bảo vệ…), an toàn tại nhà trường.