Chuyên gia đầu ngành nhận định dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội sẽ phức tạp

ANTD.VN - Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đều chung nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) nói riêng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống SXH tại quận Thanh Xuân

Trước xu hướng gia tăng của tình hình dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến chuyên gia về công tác tiêm chủng mở rộng và các biện pháp phòng chống 2 dịch bệnh này.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.147 ca mắc SXH tại tất cả quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong. Đối với bệnh sởi, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là 1.585 ca. Đáng chú ý, hiện dịch SXH đang bước vào mùa cao điểm với số mắc tăng nhanh, trong khi số ca mắc sởi hàng tuần vẫn ở mức cao.

Về công tác tiêm chủng mở rộng, tính đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi ở Hà Nội đạt 59,3%; tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh đạt 83%; tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 18 - 23 tháng tuổi đạt 81,4%... Như vậy, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng vẫn chiếm khá cao.

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia đầu ngành đều nhận định, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng.

Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất nhận định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh sởi, SXH nói riêng.

Lý do vì dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng gia tăng trên quy mô cả nước do biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, tình trạng đô thị hóa. Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao, vệ sinh môi trường kém...

Đặc biệt, các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ rất dễ dẫn đến khả năng mắc bệnh và lây truyền dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Qua lắng nghe ý kiến phân tích của các chuyên gia, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên cơ sở này, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng đã triển khai trong thời gian qua để đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết.

Trước mắt, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thêm các nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp về giám sát ca bệnh, ổ dịch, véc tơ gây bệnh, mô hình cảnh báo sớm bệnh SXH; nhóm giải pháp về đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng gắn với chất lượng tiêm chủng và nhóm về truyền thông huy động cộng đồng dân cư cùng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.